Tân Ước có Đáng Tin cậy?

Khi nói đến Tân Ước, những người hoài nghi cho rằng nó không được viết bởi những nhân chứng. Họ trích dẫn những nhà phê bình người Đức vào thế kỷ 19 tranh luận rằng những tác giả vô danh đã viết Tân Ước 100 đến 200 năm sau Đấng Christ.

Ví dụ, Ferdinand Christian Baur từng phản bác rằng sách Phúc âm Giăng đến năm 160 mới được viết. Điều này, nếu đúng, không chỉ làm giảm giá trị sách Giăng; mà còn khiến người ta hoài nghi cả Tân Ước nữa.

Tuy nhiên, những bản sao bản thảo cổ từ Giăng và Mác, được khám phá bởi các nhà khảo cổ, chỉ ra rằng các sách Phúc âm đã được viết sớm hơn rất nhiều.

  • Một mảnh giấy chỉ thảo nhỏ được khám phá ở Ai Cập được chứng minh là một bản thảo cổ của sách Phúc Âm Giăng. Các học giả tin rằng nó được viết vào khoảng năm 117 sau công nguyên hoặc khoảng 25 năm sau khi Giăng viết bản gốc. Học giả Princeton Bruce Metzger lý giải tầm quan trọng của khám phá tuyệt vời này.

Cũng như Robinson Crusoe, nhìn thấy một dấu chân trên cát, đã kết luận rằng có một người khác, có hai chân trên đảo cùng với mình, thì P52 [tên của mảnh bản thảo] chứng minh cho sự tồn tại và sử dụng sách Phúc Âm thứ tư trong nửa đầu thế kỷ thứ hai tại một làng quê ở dọc sông Nile rất xa nơi sách thông thường được viết (Ê-phê-sô ở Tiểu Á).

Từ khi bản sao Phúc âm Giăng được tìm thấy ở một thành phố nhỏ tại Ai Cập cách nơi Giăng cư ngụ hàng trăm dặm, Metzger kết luận rằng bản gốc phải được viết trước đó rất lâu.

Một mảnh của Phúc Âm Mác, vật được một số học giả định ngày vào thế kỷ thứ nhất, đã được khám phá trên một mặt nạ xác ướp Ai Cập. Craig Evans, chuyên gia về các văn bản cổ, nói, “Văn bản được định ngày thông qua tập họp của việc định ngày bằng carbon-14, bằng cách nghiên cứu chữ viết tay trên mảnh bản thảo và nghiên cứu các văn bản khác bên cạnh phúc âm này. Những cân nhắc này đã đưa các nhà nghiên cứu đến kết luận rằng mảnh bản thảo được viết trước năm 90.”

Các nhà khảo cổ đã đào được hơn 25.000 bản thảo Tân Ước, một số được định ngày trong vòng 150 năm từ khi bản thảo đầu tiên được viết. Đa số những bản sao của những tài liệu cổ không phải Kinh Thánh có khoảng cách thời gian cách thời gian được viết ra khoảng 400 đến 1.400 năm. Ví dụ, Thơ văn của Aristotle được viết vào khoảng năm 343 Trước Công Nguyên, nhưng bản sao sớm nhất có niên đại được xác định là 1100 Sau Công Nguyên, với chỉ năm bản sao còn sót lại. Và tuy thế không một sử gia nào nghi vấn những văn bản này.

Nói về Tân Ước, học giả phê bình John A. T. Robinson thừa nhận,

Sự phong phú của bản thảo, và trên hết là khoảng cách thời gian ngắn giữ bản gốc và các bản sao hiện có, khiến đây là một văn bản được chứng minh tốt nhất trong bất kỳ văn bản cổ nào trên thế giới.

Nhà khảo cổ Kinh Thánh William Albright kết luận trên nền tảng những nghiên cứu của ông rằng tất cả các sách Tân Ước được viết khi phần lớn các sứ đồ đều còn sống, “rất có thể là vào khoảng năm 50 sau Công Nguyên và 75 Sau Công Nguyên.” John A. T. Robinson khẳng định rằng đa số Tân Ước được viết thậm chí còn sớm hơn, giữa năm 40 và 65 sau công nguyên.

Bằng chứng từ bản thảo Tân Ước, cũng như những thư tín và tài liệu cổ mà những người theo tà giào và những lãnh đạo hội thánh trích dẫn những phân đoạn của nó, chỉ cho thấy rằng nó đã được viết khi những nhân chứng về Chúa Giê-xu Christ vẫn còn sống.

Tuy vậy, những người hoài nghi cũng tranh luận rằng có ít hoặc không có bằng chứng về những nhân vật và nơi chốn quan trọng trong Tân Ước.

Ví dụ, cho đến năm 2009, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy xứ Na-xa-rét, quê quán của Chúa Giê-xu thật sự tồn tại trong thời Ngài. Trong quyển “The Myth of Nazareth” (Huyền thoại về Na-xa-rét), Rene Salm vui mừng vì cớ việc thiếu bằng chứng này giống như một đòn chí mạng cho Cơ Đốc Giáo.

Bằng chứng hiện nay có được về “Giê-xu ở Na-xa-rét,” một biểu tượng lâu đời của nền văn minh phương Tây, thật nhảm nhí. Những người suy nghĩ tự do, hãy vui mừng. Cơ Đốc Giáo như chúng ta biết cuối cùng cũng sắp chấm dứt!

Nhưng vào Tháng Mười Hai 21, 2009, Cơ Quan Khảo Cổ Y-sơ-ra-ên thông báo việc khám phá thấy những tàn tích khẳng định sự tồn tại của làng Na-xa-rét trong thế kỷ thứ nhất. Nhà khảo cổ học Stephen Pfann cho chúng ta biết, “Điều này… cho chúng ta thấy những vách tường và sàn nhà ở Na-xa-rét trong thế kỷ thứ nhất là như thế nào.”

Đồng thời, trước thế kỷ 20 không có bằng chứng cụ thể nào về sự tồn tại của thống đốc La Mã Bôn-xơ Phi-lát và thầy tế lễ thượng phẩm Giô-sép Cai-pha, những nhân vật chủ chốt trong việc xét xử dẫn đến sự đóng đinh của Đấng Christ.

Sau đó, năm 1961 các nhà khảo cổ đã khám phá được một khối đá vôi có khắc dòng chữ “Bôn-xơ Phi-lát thống đốc xứ Giu-đê”Và trong năm 1990 các nhà khảo cổ khám phá được một bình đựng hài cốt (hộp xương) khắc tên Cai-pha.

Nhiều chi tiết trong Tân Ước khác đã được xác nhận bởi những nhà khảo cổ học. Sử gia cổ điển Colin Hemer, ví dụ, “xác định 84 dữ kiện trong 16 đoạn cuối của sách Công vụ đã chứng chứng minh bởi nghiên cứu Khảo cổ.”

Các học giả hoài nghi đã tấn công cả quyền tác giả và niên đại được xác định của sách Lu-ca, khẳng định sách được viết vào thế kỷ thứ hai bởi một tác giả vô danh. Sử gia Sir William Ramsey đã tin rằng họ đúng, và ông bắt đầu nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu sâu rộng, nhà khảo cổ đã thay đổi quan điểm. Ramsey công nhận,

Lu-ca là một sử gia hàng đầu… Tác giả này nên được xếp ngang hàng với các sử gia vĩ đại nhất… Lịch sử trong sách Lu-ca có độ đáng tin cậy tuyệt đối.”

Từ các tường thuật trong các sách Phúc âm đến các thư tín của Phao-lô, các tác giả Tân Ước mô tả các chi tiết rất rõ ràng, thậm chí trích dẫn tên của những cá nhân sống ở thời đó. Các sử gia có thể kiểm chứng được ít nhất ba mươi tên trong số đó.

Sử gia Paul Johnson giải thích làm sao những khám phá khảo cổ học này lại cung cấp bằng chứng pháp lý cho những văn bản cổ của Tân Ước.

Điều không nghi ngờ gì nữa là cho dù trong thế kỷ mười chín có khuynh hướng nghi ngờ sự chân thật của các tường thuật Cơ Đốc Giáo Judeo,… Trong thế kỷ hai mươi, sự việc đi theo chiều hướng ngược lại, và không có dấu hiệu kết thúc. Những người hoài nghi có lý do để phải e sợ chiều hướng khám phá mới.

Bên cạnh những bản thảo Tân Ước, hơn 36.000 thư tín và tài liệu ngoài Kinh Thánh gần như lặp lại toàn bộ những từ ngữ trong đó. Nếu tất cả những tài liệu Tân Ước bị hủy phá, gần như có thể tái tạo lại toàn bộ sách từ những lời trích dẫn từ những bản thảo ngoài Kinh Thánh này.

Clark Pinnock, giáo sư về dịch thuật tại Cao Đẳng Thần học McMaster, tóm tắt lý luận về sự đáng tin cậy của Tân Ước.

Hiện không có tài liệu nào từ thế giới cổ đại có được những lời chứng bằng văn bản và lịch sử xuất sắc đến vậy. Chủ nghĩa hoài nghi về độ đáng tin về mặt lịch sử của Cơ Đốc Giáo không có nền tảng hợp lý.