Diễn giải Sai?

Vậy thì các bằng chứng cho thấy gì? Chúng ta bắt đầu với hai câu hỏi đơn giản: Các văn bản gốc của Tân Ước được viết khi nào? Và ai đã viết chúng?

Tầm quan trọng của hai câu hỏi này rất hiển nhiên: Nếu các tường thuật về Chúa Giê-xu được viết sau khi các nhân chứng qua đời, không ai có thể kiểm chứng tính chính xác của chúng cả. Nhưng nếu các tường thuật Tân Ước được viết trong khi các sứ đồ ban đầu vẫn còn sống, thì có thể xác nhận sự chân thật của chúng. Phi-e-rơ có thể nói khi có kẻ mượn danh ông, “Này, tôi không viết điều đó.” Và Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca hoặc Giăng có thể trả lời cho các câu hỏi hay thách thức dành cho các tường thuật về Chúa Giê-xu.

Các tác giả Tân Ước nói rằng họ đưa ra tường thuật về Chúa Giê-xu từ chính các nhân chứng. Sứ đồ Phi-e-rơ nói điều này trong một thư tín: Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài.” (II Phi-e-rơ 1: 16)

Một phần lớn Tân Ước là các thư tín của Phao-lô gửi đến các hội thánh và các cá nhân còn mới mẻ. Các thư tín của Phao-lô, được xác định niên đại vào giữa các năm 40 đến 60 (12 đến 33 năm sau Đấng Christ), mang lại các lời chứng có sớm nhất về đời sống và sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Will Durant đã viết về tầm quan trọng lịch sử của các thư tín Phao-lô, “Chứng cứ Cơ Đốc cho Đấng Christ bắt đầu từ những thư tín đề tên Thánh Phao-lô. … Không một ai đặt nghi vấn về sự tồn tại của Phao-lô, hoặc việc ông nhiều lần gặp gỡ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng; và Phao-lô từng ngưỡng mộ rằng những người này nhận biết Đấng Christ bằng xương bằng thịt.”