Kinh Thánh suy ngẫm: Lu-ca 23: 18-25

Chúng bèn đồng thanh kêu lên rằng: Hãy giết người nầy đi, mà tha Ba-ra-ba cho chúng tôi!  Vả, tên nầy bị tù vì dấy loạn trong thành, và vì tội giết người. Phi-lát có ý muốn tha Đức Chúa Jêsus, nên lại nói cùng dân chúng nữa. Song chúng kêu lên rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự đi! Đóng đinh nó trên cây thập tự đi!  Phi-lát lại nói đến lần thứ ba, rằng: Vậy người nầy đã làm điều ác gì? Ta không tìm thấy người có sự gì đáng chết. Vậy, đánh đòn xong, ta sẽ tha.  Nhưng chúng cố nài, kêu lớn tiếng rằng phải đóng đinh Ngài trên cây thập tự; tiếng kêu của họ được thắng. Phi-lát truyền làm y như lời chúng xin. Bèn tha tên tù vì tội dấy loạn và giết người, là người chúng đã xin tha; rồi phó Đức Chúa Jêsus cho mặc ý họ.

David L.Tiede, trong quyển Kinh Thánh Nghiên Cứu Harper Collins, viết về phân đoạn này, “Câu hỏi rằng ý muốn của ai đang được thực hiện khá phức tạp. Có phải đó là ý muốn của Phi-lát, người tuyên bố Chúa Jêsus vô tội thêm hai lần nữa trước khi quyết định đóng đinh? Có phải là ý muốn của đám đông? Hay là của các lãnh đạo tôn giáo?

Cho dù câu trả lời xét về khía cạnh con người như thế nào, thi rõ ràng đối với Lu-ca, việc Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá là ý muốn của Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

Không phải Chúa Jêsus bị ép vào đường cùng, bất lực không thể thoát khỏi thập tự giá. Đức Chúa Trời không phải thất vọng vì Chúa Jêsus không thể tự cứu mình. Nhưng đó là ý muốn hiệp một của Ba Ngôi, và ý muốn đó chính là hoàn thành con đường thập tự giá. 

Đây là chỗ thường khiến người ta nhầm lẫn.  Thật khó để có thể hiểu tại sao Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là hai thân vị khác biệt nhưng lại là một? Dễ dàng hơn khi nghĩ về Đức Chúa Trời Ba Ngôi như những cá thể riêng biệt. Nhưng khi chúng ta bắt đầu nhấn mạnh đến thân vị của một Ngôi trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời hơn một Ngôi khác, khi chúng ta đặt giả thiết có một sự tách biệt rõ ràng giữa Ba Ngôi, thì điều đó dẫn tới một ý tưởng kỳ quặc rằng Đức Chúa Cha sẵn lòng hy sinh Đức Chúa Con. Đột nhiên, Đức Chúa Cha trở thành kẻ lạm dụng và bóc lột, không có gì khác với những tạo vật con người của Ngài , tất cả những người cha và người chồng từng bạo hành gia đình họ, tất cả những người sử dụng người khác cho mục đích riêng của mình.

Mặc dù nhiều nhà thần học tận tâm đã tranh luận về ý nghĩa thần học đằng sau việc đóng đinh, thì sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Đấng Tạo Hóa và Chúa Jêsus Christ là điều tối quan trọng để ta có thể hiểu được những điều đã xảy ra trên thập giá.

Tại sao việc sự chết của Chúa Jêsus thực sự là lựa chọn của chính Ngài mà không phải do bất cứ một ai ép buộc lại quan trọng?

Chúa ơi, con cảm tạ Ngài vì Ngài đã chọn đời sống vác thập tự giá vì sự sống của con và toàn nhân loại.