TÌNH giao hảo khác nào ngọn lửa chói loà, chẳng bốc khói ích kỷ, nhưng toả khí ấm cho người sưởi. Trong thế gian lạnh lẽo nầy, há có gì vui thú bằng tình giao hảo? Khi thấy bạn thật đến chơi, ai chẳng nức lòng mừng rỡ? Vì quang cảnh bấy giờ dường như biến đổi: không có mùa đông, không có đêm tối cơn xốn xang và sự lôi thôi đều biến đi hết. Hễ có ai có bạn thật, thì nên cảm tạ Chúa đã ban ơn phước cho ta. Hân hạnh thay, nhà nào được che bạn tốt dưới mái mình.

Trong tình giao hảo có hai nguyên chất: Một là sự thật thà. Đối với bạn, ta phải ta phải nói hết ý tưởng, đừng giấu giếm, đừng giả hình. Ta có thể đãi bạn một cách đơn sơ trọn vẹn, khác nào hai chất vi-diểu gặp nhau, hiệp lại làm một. Còn nguyên chất thứ hai là sự êm ái. Đối với bạn hữu, ta phải cứ giữ công bình, trung tín và thương xót. Đã chơi với nhau, thì không kể đến giàu, nghèo, sang, hèn. Thà kết bạn với người làm ruộng mà trung tín còn hơn chơi với người mặc áo lụa mà phỉnh gạt.

Vì tình giao hảo quí báu như thế, nên thường có nhiều người khéo làm ra bộ thân ái, dường như miếng sắt mạ bạc ở ngoài, đến nỗi ít người biết nó là vật xấu. Tánh tự nhiên của loài người thường hay lừa dối, giả hình. Kinh thánh dạy: “Lòng người là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?”(Giê 17 : 9). Dầu mình xét kỹ để biết ai đáng tin cậy nhưng nhiều khi cũng bị gạt bởi cái hôn của Giu-đa! Khi gặp tai nạn, mới biết bạn thật hay giả. Vua Sa-lô-môn cũng biết vậy, nên nói: “Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn” (Châm 17 : 17). Khi mình giàu sang, có nhiều người làm bạn; nhưng đến lúc hoạn nạn, họ sẽ trốn như chuột chạy nhà cháy.

Những bạn giả đã hưởng nhiều phước lúc ta sung sướng, chính là người lìa bò, công kích và mắng nhiếng ta trước nhứt trong lúc khó khăn. Tục ngữ có câu:

“Khi vui thì vỗ tay vào,

Đến khi khốn khó thì nào thấy ai!”

Có một chuyện đủ chứng rõ ý đó. Số là, một ngày kia, hai bạn đang đi trong rừngm thình lình có con gấu xông đến. Một người vội trèo lên cây, bỏ lại một người què chơn ở đó, không cứu giúp. Người què nghe nói con gấu không ăn xác chết, bèn nằm xuống đất, làm bộ như chết. Con gấu đến ngửi từ đầu đến chơn người què, rồi đi mất. Người lành xuống từ cây, muốn ói chơi để che sự hèn-nhát mình, nên hỏi: “Bạn ơi! Gấu nó thầm thì gì với anh đấy?” Người què đáp: “Nó bảo tôi đừng tin cậy bạn nào bỏ nhau trong cơn hiểm nghèo.” Chuyện đó thật đúng như lời Gióp nói khi gặp tai nạn: “Các thân thích đều lìa bỏ tôi, các mật hữu tôi đã quên tôi.” (Gióp 19 : 14).

Tình giao hảo là một cây trổ bông bốn mùa ; nó mọc tươi tốt trên núi luôn có tuyết phủ ở phương bắc nước Nga, cũng như trong trũng nước Ý-đại-lị vẫn có mặt trời chiếu sáng. Đầu biển rộng, núi cao, trũng sâu, cũng không thể lấy giới hạn mà ngăn trở nó mọc lê được. Đâu có nhơn từ, êm dịu, yêu thương để nhuần tưới, thì đó sẽ có cây tinh giao hảo.

Tình giao hảo thường liên lạc với lòng thương xót, chị sanh đôi của nó. Nó vào nhà sầu não, nghèo túng, gây sự vui thú bình an. Nó gõ cửa lòng buồn tẻ, nói lơi thúc giục mạnh mẽ vui mừng. Trong cơn tranh chiến, ảnh hưởng nó liệng trên hai toán binh thù mà kết bạn hữu, dầu đang giao chiến mặc lòng. Nó là mùi thơm vĩnh viễn của chung mọi dân tộc, nó thổi tan những ý ghen tương độ dữ, tẩy sạch những lòng dơ dáy xấu xa, khiến cho đầy sự thoả thích, thánh khiết vô giá, mà cả sự vui sướng thế gian không thể ban cho được.

Luống công đi tìm bông hoa trên trời đó nơi người luông tuồng, say đắm cuộc chơi thế gian ; vì người bị lừa dối đáng thương ấy không thể chứ chút tình cảm và nhơn đức mình. Luống công tìm nó nơi người kiêu ngạo, chỉ lo theo kiểu ăn lối mặc ở đời, thích làm ra dáng sang trọng để buông mình vào đường tư dục, đến nỗi lòng họ không thể chứa tình giao hảo được nữa. Luống công tìm nó giữa lũ đông vỏ ý hay cười to tiếng mà khóc mình biết tình giao hảo, nhưng chính một lúc ấy trong lòng và trên lưỡi họ chứa sự ghen ghét, ganh gổ, vu oan.

Tình giao hảo thật ! tình giao hảo thật ! nó chỉ có thể trổ hoa trên đất trong lòng cao thơngf hay liều mình; tại đó nó hưởng mùa xuân mãi mãi. Lòng chứa nó chiến được ngàn ánh sáng yêu thương, trông cây và bình yên cho mọi người xung quanh. Có người nói: bạn thật khác nào con ma, tuy nói rằng có, nhưng hiếm thấy lắm. Nói thế, có lẽ quá đáng; song, hằng ngày, đã dễ tìm thấy bạn tốt ở đâu? Nếu ai đã tìm được, thì nên nhớ rằng: “Chớ lìa bạn mình, hay là bạn của cha mình” Châm 27 : 10).

Về tình giao hảo, chẳng có gương nào sáng hơn Đa-vít và Giô-na-than. Kinh thánh chép: “Giô-na-than khê hiệp cùng Đa vít, bởi vì yêu mến người như mạng sống mình” (I sa 18:3). Về sau, khi Sau-lơ, cha của Giô-na-than muốn giết Đa vít, Giô-na-than bèn tìm thế cứu người, và hứa rằng: “Hễ anh muốn tôi làm đều gì, thì ra sẽ làm cho anh” (I Sa 20 : 4). Trong tình giao hảo của Giô-na-than dầu biết Đa-vít sẽ kế Sau-lơ mà làm vua ,còn mình sẽ mất chức ấy, nhưng cứ liều mạng để giúp bạn mình.

Tình giao hảo nâng đỡ và bổ sức cho trí người, giảm bớt nỗi đau đớn trong đời sống, khiến dễ chịu hơn. Ông Verulam đã nói: “Chia buồn, bớt buồn; chia vui, thêm vui.”Người khác nói: “Buồn bực khác nào con sống chia làm nhiều dòng, thì sẽ mất đi nhưng sự vui khác nào ánh sáng mặt trời phản chiếu vào tâm gương càng thêm chói loà rực rỡ.”Dễ dàng vui vẻ thay, biết nhờ cậy bạn mình, chẳng cần cân ý đo lời, nhưng cứ đổ ra cả rác lẫn lúa, để hơi nhơn từ thổi đều xấu đi, mà sàng trung tín thì lựa lấy đều tốt. Đáng khen thay tình giao hảo ! nguyện nó cứ hái hoa thơm nơi đồng cỏ xanh tươi, nhuần thấm móc mưa của sự giao thông đôi bạn thiết mà bay ra trên đường đời có đông người đang xô đầy chen chúc, nước mắt mồ hôi.

Ai muốn chèo kéo lắm bạn chỉ để kiếm lợi cho mình, nấy không biết ý nghĩa tình giao hảo. Sa-lô-môn đã nói thật lắm: “Có nhiều kẻ tìm ơn người rộng rãi ; và mỗi người đều là bằng hữu của kẻ hay ban lễ vật” (Châm 19 : 6). Chọn bạn thật là một sự quan hệ lắm. Trước khi làm bạn với ai, nên xét tánh nết người đó, nếu là người nhơn từ, thật thà, trung tín, đúng đắn, có ảnh hưởng lớn đến mình, thì mình sẽ chơi. Những sự bề ngoài như sắc đẹp, giàu có, sang trọng chỉ là tạm thời chóng qua, có những sự bề trong như tánh nết tâm thần thì thật vĩnh viễn. Về tình giao hảo, Đức Chúa Jêsus đã treo gương cao thượng biết bao ! Kìa, Ngài phán: “Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” (Gi. 15:12).

Đời sống giống như trường có mấy lớp dạy khoa giao hảo. Khi ta bỏ lòng ích kỷ, tánh tây vị, thì bắt đầu tập sự yêu thương đối với bạn hữu. Dầu vậy, phải có mục đích trước, kiểu mẫu về sẵn, để làm thành tánh nết thật thà vững chắc, thì đời sống mới được thánh khiết êm đềm. Ai đã đạt tới mục đích cao thượng, nấy biết trông xa, biết sống trong cõi thiêng liêng, biết hi vọng cao cả đều bù cho những sự đau đớn, tranh giành, lầm lỗi, và buồn bực của thế gian. Người thiêng liêng lần lần nhận biệt tình giao hảo thế gian dầu trọn vẹn đến đâu, cũng không đủ thỏa lòng được. Bạn rất thiết nghĩa cũng không thể chiếm chỗ trong lòng mà chính Chúa phải ngự. Nếu không biết Đức Chúa Trời, thì đời sống sẽ mất hi vọng, thiếu vinh hiển, khác nào một cuộc trò chơi chẳng có ý vị chi hết.

Vậy thì lòng người vẫn mong biết tình giao hảo sâu nhiệm hơn, vững chắc hơn, mà sự chết không thể ngăm đe, sợ hãi không thể ức hiếp, hồ nghi không thể vây phủ. Chỉ người nào biết giao thông với Chúa, mới được hưởng tình giao hảo như thế. Khi thấy sự giao thông với bạn hữu hãy còn thiếu thốn, thì ta mới biết cần giao thông với Đấng vĩnh viễn; lúc đó dường như có cửa mở ra dẫn đến tình yêu thương rộng rãi hơn, đời sống thiêng liêng cao xa hơn. Có khi lòng ta đau đớn, buồn tẻ quá đỗi, đến nỗi chẳng bạn nào yên ủi được. Nay, ta biết dưới đời nầy không có thánh nào, nhà nào, sự sống nào và tình yêu nào còn mãi đời đời; cho nên ta “chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập” (Hê 11 : 10).

Tình giao hảo dường như đã dạy ta cần biết yêu thương nhau trong đời nầy; nhưng cả tình yêu gia đình và bạn hữu chỉ dạy ta biết giao thông với Đức Chúa Trời. Có chép về Moi-se rằng: “Đức Chúa Trời đối diện phán cùng Môi-se như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình” (Xuất 33 : 11). Lại nói về Áp-ra-ham : “Người được gọi là bạn Đức Chúa Trời” (Gia 2:23). Phước thay người nào được tới bậc cao thượng mà giao thông thân mật cùng Chúa như thế ! Dầu ta từng nếm trải những sự thế gian rất vui sướng, tình giao hảo rất ngọt ngào, và lòng yêu thương rất nồng nàn, nhưng chưa tìm biết Chúa, thì chắc sẽ mất ơn phước đời đời quí báu hơn hết.

Sống dưới thời đại ân điển nầy, ta phải nhớ Chúa Jêsus để được giao thông với Đức Chúa Trời. Ngài đã phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống : chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Vì bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta” (Gi 44 : 6). Biết giao thông với Chúa, thì ta càng ngày giống Ngài hơn. Đó là chứng cớ tỏ cho ta biết mình là bạn Ngài: “Ví thử các ngươi làm theo đều ta dạy, thì các người là bạn hữu ta” (Gi. 15 : 14) –Bà C.soạn.