Bạn đã bao giờ nhận thấy thể nào khi ôm đồm quá nhiều việc thường mang thêm áp lực không mong muốn vào cuộc sống của bạn?

Đôi khi tôi nghĩ rằng chúng ta cố bận rộn để kiếm được nhiều tiền hơn, tìm kiếm sự tôn trọng của các đồng nghiệp, có được vị trí tốt hơn và được sự giàu có theo nhiều cách. Có lẽ chúng ta sống trong ảo tưởng rằng có sự giàu có như vậy là điều khiến một người trở nên hoàn thiện, hài lòng và rất hạnh phúc. Tuy nhiên, khi chúng ta phát hiện ra điều đó không đúng, chúng ta cảm thấy trống rỗng và bất mãn.

Sự hài lòng và an ninh không được tìm thấy trong các chức danh nghề nghiệp hoặc trong các loại xe chúng ta sở hữu. Logo trên xe của chúng ta chỉ cho người khác biết loại xe chúng ta lái – không phải cho biết chúng ta là ai. Sự hài lòng thực sự, cách thuần khiết nhất, được tìm thấy trong sự giàu có của Đức Chúa Trời và sự giàu có mà Ngài ân cần ban tặng cho chúng ta.

Gần đây, Chúa đã cho tôi thấy rằng khi tôi liên tục muốn nhiều hơn những gì Ngài ban cho tôi, điều đó phản ánh lòng bất mãn. Giống như tôi đang nói với Chúa, “Tôi không hài lòng với những gì Ngài chu cấp cho tôi. Tôi muốn nhiều hơn nữa.”

Muốn nhiều hơn nữa, tôi đặt áp lực lên chính mình trong nỗ lực để có được những gì Chúa không cung cấp. Tự nhiên, lo lắng là kết quả khi tôi tập trung vào những thứ khác ngoài Chúa và ý muốn của Ngài cho cuộc đời tôi.

Áp lực phải có nhiều hơn và làm nhiều hơn có thể dẫn chúng ta đến chỗ làm những việc không mong muốn. Trong nỗ lực của chúng ta để lấp đầy khoảng trống của những linh hồn trống rỗng của mình, chúng ta phát hiện ra rằng sự xa xỉ bên ngoài chỉ là sự thay thế rẻ tiền cho sự trọn vẹn tâm linh. Như câu gốc hôm nay đã chỉ ra, Phao-lô biết bí mật của việc tìm kiếm sự hài lòng. “…vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy.”

Hãy lưu ý rằng Phao-lô đã viết những lời này trong một tình huống căng thẳng cao độ khi ông ngồi tù chờ phán quyết cho một tội ác mà ông không hề phạm phải. Tôi không biết liệu tôi có thể tìm thấy sự thỏa lòng nếu tôi ở vị trí của ông hay không. Tôi có lẽ sẽ than thở một cách đáng thương, “Không ai biết những rắc rối tôi đã gặp. Không ai hiểu nỗi buồn của tôi.” Tìm kiếm sự hài lòng không có nghĩa là chúng ta phải thích hoàn cảnh hiện tại của mình, nhưng nó có thể đòi hỏi ta phải trân trọng hoàn cảnh ấy. Hãy để tôi giải thích.

Phao-lô đã học được rằng chúng ta học biết thỏa lòng khi chúng ta biết ơn những gì Chúa đã chu cấp cho dù chúng ta có thích hay không. Đó là vì được bình an không có nghĩa là sống không chịu bất kỳ áp lực gì. Đó là sự hiện diện của Đức Chúa Trời và thái độ của chúng ta đối với sự chu cấp của Ngài giữa lúc chúng ta căng thẳng. Phao-lô sống giàu có trong lòng biết ơn Chúa, dù không có nhiều vật chất.

Bạn có thể đang gặp nhiều khó khăn ngay bây giờ và bạn đang khao khát được tự do. Có lẽ công việc hiện tại của bạn khiến bạn cảm thấy như đang đi vào ngõ cụt; có lẽ bạn có đến hai việc làm như vậy! Có thể là bạn sống trong một không gian quá chật hẹp cho cả gia đình và bạn ghét điều đó. Bạn không ở nơi bạn dự định hoặc hy vọng sẽ đến và bạn chắc chắn không thích nó.

Sự thật là, chúng ta không cần phải ở nơi chúng ta muốn hoặc sở hữu những gì chúng ta thích, nhưng nếu chúng ta chọn cảm ơn Chúa vì những điều Ngài chu cấp bất kể cảm xúc của chúng ta đối với chúng, chúng ta sẽ trải nghiệm cùng một sự thỏa lòng mà Phao-lô chia sẻ.

Biết ơn không có nghĩa là cuối cùng Chúa sẽ loại bỏ hoàn cảnh khó khăn của chúng ta. Có thể có, cũng có thể không. Thay vào đó, việc trân trọng những gì Chúa ban giúp chúng ta thoát khỏi mong muốn ra khỏi hoàn cảnh và cho phép chúng ta yên nghỉ cách thỏa lòng. Và khi chúng ta thật thỏa lòng, chúng ta không cần có tất cả mọi của cải thế gian.

Đức Chúa Trời trở thành kho báu lớn nhất của chúng ta. Trong Ngài, chúng ta có mọi thứ chúng ta cần.

Lạy Chúa, con biết ơn về những gì Chúa đã chu cấp cho con. Hãy lấp đầy lòng con bằng sự bình an của Ngài để con có thể thực sự thỏa lòng trong ân phước của Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus Christ, Amen.

Nguồng: Proverbs 31 Ministries