NGƯỜI xưa đã từng cố tìm lấy suối xuân xanh đời đời. Tuối xuân xanh ! ấy là thời-kỳ sống dư-dậy, hăng-hái, sốt-sắng, và hoài-bão cao-xa. Song, nếu không biết tìm cái suối xuân xanh ở cõi thiêng-liêng kín-nhiệm, há hay gởi hi-vọng đó vào cõi vật-chất?
Trong bài trước bổn-báo đã nói xã-hội phải cần đến Đấng Christ. Người đời buông theo cuộc vui-chơi, khát-khao sự thỏa-thích, song thần-trí vẫn thiếu yên-tịnh, đến nỗi dấy loạn, phạm pháp, và trộm-cướp. Đấng Christ và sự cứu-rỗi Ngài chữa được những đều bất-bình trong xã-hội một cách linh-nghiệm bao nhiêu, thì Đấng Christ và Sứ-giả Ngài trên đất – tức Đức Thánh Linh – cũng cung-cấp những sự cần-dùng cho tín-đồ một cách dư-dật bấy nhiêu. Nên không đầy-dẫy Đức Thánh Linh, cảm-biết thiếu-thốn, đời thiêng-liêng ắt phải bối-rối gập-ghinh : mình muốn đắc-thắng, nhưng vẫn bị thua ; hồn hâm được no, nhưng vẫn đói-khát ; lòng ưa yên-nghỉ sâu-nhiệm, nhưng vẫn lộn-xộn rối-ren. Vậy, muốn được thỏa hi-vọng đó, thì chỉ có cách là đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, tức cơ-nghiệp của mọi linh-hồn đã nhờ Đấng Christ mà được cứu-chuộc.
Mỗi người đã được sanh lại, thì thật có Đức Thánh-Linh : “Nếu ai không có Thánh-Linh của Đấng Christ, thì người ấy không thuộc về Ngài” (Rô 8:9). Dầu vậy, “có” Đức Thánh-Linh khác với “đầy-dẫy” Đức Thánh-Linh (Sứ 2 : 4). Những sông cái ở xứ Đông-Pháp nầy tuy vẫn có nước, nhưng nếu không đầy tràn ra, thì phù-sa không bồi, ruộng đất không thê màu-mỡ, Tín-đồ cũng vậy, nếu thiếu sự đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, thì chưa trọn vẹn, không kết-quả : vì “do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma 12:34). Nguyện tín-đồ Hội-thánh bổn xứ được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, đến nỗi ơn-phước đạo Tin-lành sẽ tràn khắp cả nhà, họ, làng, và nước. Kết quả của một đời sống như thế, ai hay lường được? Có người nói : Nếu liệng đá nhỏ vào hồ im-lặng, thì nước sẽ nổi sóng, sóng càng nhấp-nhô, thì sức càng mạnh, đến nỗi xô-đẩy sang bờ rất xa. Cũng vậy, một tín-đồ khiêm-nhượng hạ mình, ăn-ở trong nhà nhỏ làng bé, nhưng sống nhờ Đức Thánh-Linh, thì sẽ có ảnh-hưởng phước-hạnh tới hàng ngàn người.
Hãy coi chuyện nàng A-ga. “Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu nước đưa cho A-ga ; để các món đó trên vai nàng, và giao đứa trai cho nàng rồi đuổi đi” (Sáng 21:). Nàng phải tránh vào sa-mạc. Ít lâu, nước bầu hết, nàng cất tiếng khóc, vì tưởng con trai mình sẽ chết. Thiên-sứ bèn hiện đến, chỉ cho nàng “một cái giếng nước.” Giếng đó chẳng cạn, vì có mạch nước, nên cung đủ sự cần dùng cho nàng. Chuyện đó có thể là thí-dụ về sự tín-đồ được ơn nhiều ít tùy theo từng người. Có người thỉnh-thoảng được vui-thích trong Chúa, nhưng khi bầu nước thiêng-liêng đã cạn, thì lại buồn-rầu, chán-chối, hồ-nghi. Lại có người luôn được yên-nghỉ, hớn-hở, sốt-sắng hầu việc Chúa, vì trong lòng có một mạch nước thiêng-liêng, cho nên hưởng được ơn-điển vô-cùng của Ngài.
Muốn hưởng trọn ơn-phước như thế, trước phải nhứt-định nhận-lãnh Đức Thánh-Linh, là việc làm một lần đủ cả suốt đời. Có bao tín-đồ ăn-ở như đoạn ba sách Giăng, chớ không tấn-tới được như đoạn bốn, nghĩa là tái-sanh bằng Đức Thánh-Linh, nhưng không sống dư-dật bởi Đức Thánh-Linh. Ấy vì họ giống người mà Thánh Gia-cơ đã tả : “Kẻ hay nghi-ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa: ấy là một người phân-tâm, phàm làm việc gì đều không định.” Vậy, chớ nghi-ngờ, hãy nhứt-định “lấy đức-tin mà cầu-xin,” như các sứ-đồ xưa nhận lấy “đều Cha đã hứa” trong ngày lễ Ngũ-tuần.
Nếu tín-đồ đã nhận lấy và được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, thì đời sống mình ắt có kết-quả, và nền-tàng xã-hội ắt được vững-vàng. Trong trường giao-tế cũng nảy được “trái của Thánh-Linh, ấy là lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhơn-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ” (ga 5 : 22). Lại xem đoạn năm và sáu trong thơ Ê-phê-sô, thấy trong chỗ vợ chồng, cha con, chủ tớ, vì được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, nên ai nấy làm trọn bổn-phận, trên kính dưới nhường, trong êm ngoài ấm, há chẳng phải là hạnh-phước xã-hội sao?
Đối với chức-vụ người truyền-đạo và việc tín-đồ làm chứng, sự được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh rất có linh-nghiệm lạ-lùng, vì có thể đổi tánh thẹn-thùng sợ-hãi ra mạnh-bạo hăng-hái. Kìa, Phi-e-rơ, người chối Chúa mình và run-sợ trước mặt một tớ gái, vậy mà đến ngày Ngũ-tuần, ông đó mạnh-dạn đứng trước mặt lũ đông, rao-giảng Đấng đã bị đóng đinh và sống lại. Kìa, Phao-lô, người bắt-bớ tín-đồ cách hung-dữ, thế mà đổi nên môn-đồ khiêm-nhường, sẵn lòng bị trói và chịu chết vì danh Người Na-xa-rét. Kìa, Ê-tiên, vì sốt-sắng làm chứng mà bị ném đá, khi gần chết, còn thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu, bèn cầu-nguyện rằng : “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh-hồn tôi…Xin đừng đổ tội nầy cho họ.” Đó bởi mấy ông ấy đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, nên mới hái được trái ngon như vậy.
Bổn-báo mong rằng bông hoa thơm-tho đó nở giữa tín-đồ nước ta, hầu cho ai nấy tìm được cái suối xuân xanh, mà uống nước Chúa ban cho, là nước tù “một mạch nước” trong mình “văng ra cho đến sự sống đời đời.”