Thử thách về tình yêu thương Cơ đốc không chỉ nằm ở chỗ không làm điều ác với người khác. Tình  yêu thương cũng bao gồm việc làm điều lành cho người khác. Tình yêu thương Cơ đốc vừa có mặt phủ định, vừa có mặt khẳng định. “Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt ta. Đừng làm dữ nữa. Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa.” (Ê-sai 1:16-17),

Ca-in là một ví dụ của tình yêu thương giả dối; Đấng Christ là một ví dụ của tình yêu thương Cơ đốc chân thật. Chúa Jêsus phó chính mạng sống Ngài cho chúng ta để chúng ta được biết chân lý của Ngài. Mọi Cơ đốc nhân đều biết Giăng 3:16, nhưng có mấy người lưu ý đến I Giăng 3:16? Tận hưởng những phước hạnh từ câu Kinh Thánh Giăng 3:16 thật tuyệt vời, nhưng chia sẻ phước hạnh đó qua việc vâng theo lời dạy trong I Giăng 3:16 còn tuyệt vời hơn. “Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình.”

Tình yêu thương Cơ đốc có sự hy sinh và phục vụ. Đấng Christ không chỉ nói về tình yêu thương của Ngài; Ngài đã chịu chết để chứng minh điều đó (Rô-ma 5:6-10). Chúa Jêsus không phải là thánh tử nạn; Ngài tự nguyện bỏ sự sống mình (Giăng 10:11-18; 15:13). “Việc bảo tồn sinh mạng” là nguyên tắc đầu tiên trong đời sống vật chất, nhưng “sự hy sinh chính mình” là nguyên tắc đầu tiên trong đời sống thuộc linh.

Nhưng Đức Chúa Trời không đòi hỏi chúng ta phó mạng sống mình. Ngài chỉ đơn giản là yêu cầu chúng ta giúp đỡ anh chị em đang gặp khó khăn. Giăng đã rất khôn ngoan khi chuyển từ “anh em mình” từ số nhiều trong câu số 16 sang số ít trong câu số 17.

Chúng ta dễ dàng nói chung chung rằng mình “yêu thương anh em” nhưng lại thờ ơ không giúp đỡ khi đứng trước hoàn cảnh khó khăn của một người anh em cụ thể. Tình yêu thương Cơ đốc vừa năng động vừa mang tính cá nhân.

Hẳn Chúa Jêsus cũng nghĩ đến điều này trong ẩn dụ về Người Sa-ma-ri Nhân lành (Lu-ca 10:25-37). Một thầy dạy luật muốn đặt câu hỏi trừu tượng chung chung rằng: “Ai là người lân cận tôi?” Nhưng Chúa Jêsus tập trung sự chú ý vào một người cụ thể đang gặp khó khăn, và chuyển câu hỏi sang, “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp?”

Hai người bạn cùng dự một hội nghị về việc truyền giáo. Trong một giờ học, Larry không thấy Pete đâu. Giờ ăn trưa, khi gặp Pete, anh hỏi, “Tôi không thấy anh dựu lớp lúc 10h? Anh đi đâu vậy?”

“Tôi làm chứng với nhân viên khuân vác hành lý ngoài hành lang. Tôi giúp anh ta tin nhận Chúa.” Pete trả lời.

Dự hội nghị chẳng có gì sai, nhưng ta dễ quên đi một con người cụ thể và những nhu cầu của anh ta khi thảo luận về những khái niệm chung chung. Cái khó của tình yêu thương Cơ đốc không phải ở chỗ tuyên bố hùng hồn về việc yêu thương nhau trong hội thánh, nhưng ở chỗ giúp đỡ một anh chị em gặp khó khăn cách thầm lặng. Nếu chúng ta thậm chí không giúp đỡ một anh chị em mình, thì khó mà “bỏ sự sống mình vì anh em mình vậy.”

Một người không cần phải giết người mới phạm tội; sự ganh ghét cũng giống như việc giết người trong tâm trí mình. Nhưng ta thậm chí không cần ghét anh em mình mới phạm tội. Chỉ cần bỏ mặt hay thờ ơ trước những khó khăn của anh em mình là đủ. Một tín hữu có điều kiện vật chất đầy đủ và có thể giúp đỡ những khó khăn của anh em mình nên làm như vậy. “Đóng cửa lòng mình” trước hoàn cảnh khó khăn của anh em mình cũng giống như giết người!

Nếu tôi muốn giúp đỡ anh em mình, tôi phải đạt ba điều kiện. Đầu tiên, tôi phải có khả năng đáp ứng nhu cầu của anh ta. Thứ hai, tôi phải biết về nhu cầu đó. Thứ ba, tôi phải đủ tình yêu thương để chia sẻ.

Một tín hữu quá nghèo khó để giúp đỡ, hay một người không biết về nhu cầu của người anh em kia, không bị rủa sả. Nhưng một người cứng lòng khi đã biết nhu cầu của anh em mình sẽ bị rủa sả.  Một trong những lý do mà một Cơ đốc nhân nên đi làm chính là để có thể “có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn” (Ê-phê-sô 4:28).

Trong thời buổi có nhiều tổ chức từ thiện, Cơ đốc nhân dễ dàng quên đi bổn phận của mình. “Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:10).

Nhu cầu “làm điều thiện” không nhất thiết nói đến tiền bạc hay vật chất. Nó có thể bao gồm việc tự mình phục vụ hay hy sinh bản thân vì người khác. Có nhiều người trong hội thánh thiếu thốn tình thương và ước ao có thêm bạn hữu.

Một người mẹ trẻ thừa nhận, trong bài làm chứng của cô, rằng cô dường như chẳng thể có thì giờ tĩnh nguyện cá nhân. Cô phải chăm lo cho mấy đứa con nhỏ, và ngày giờ cứ trôi qua thật nhanh.

Thử tưởng tượng cô ấy ngạc nhiên đến đâu khi có hai chị em từ hội thánh đến nhà thăm.

“Chúng tôi đến để phụ giúp chị,” họ giải thích. “Giờ chị có thể vào phòng riêng và bắt đầu giờ tĩnh nguyện của mình.” Sau nhiều ngày được giúp đỡ việc nhà như vậy, người mẹ trẻ này đã có thể sắp xếp thời gian cầu nguyện riêng.

Nếu chúng ta muốn trải nghiệm và tận hưởng tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong tấm lòng của chính mình, chúng ta phải yêu thương người khác, thậm chí đến mức phải hy sinh. Thờ ơ trước nhu cầu của một anh chị em cướp mất một điều mà chúng ta cần hơn bao giờ hết: tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta. Thật đúng là yêu thương hay là chết!

(Tác giả: Warren Wiersbe)