Một Cơ Đốc nhân phải bênh vực, bảo vệ gì? Khi các Cơ Đốc nhân tra xét Sử ký Hội thánh họ có thể thắc mắc tự hỏi chẳng hay mình đã được kêu gọi để biện minh, bênh vực cho cái gì? Dầu sao thì có nhiều điều mà chúng ta làm nhân danh Chúa Cứu Thế thì không thể có tiêu chuẩn nào để bênh vực cả. Giu-đe câu 3 đưa ra lời đáp cho câu hỏi này “hãy tích cực bảo vệ chân lý…mà Thượng Đế ban cho dân Ngài một lần là đủ”. Đó là chân lý nằm trong Kinh điển, là “đức tin” (đạo) mà chúng ta phải bộc lộ và bảo vệ. Thỉnh thoảng có những biến cố xảy ra trong sử ký Hội thánh có thể được dùng để minh họa cho một chân lý của Kinh điển. Tuy nhiên, chúng ta không hề đựơc kêu gọi phải bảo vệ cho tất cả mọi sự mang cái nhãn hiệu là Cơ Đốc. Điều chúng ta phải tìm cách trình bày cho thật rõ ràng, chính là chân lý của sự mặc khải mà Kinh Thánh từng đề cập là Lời sống động và đầy năng lực của Thượng Đế (Hê-bơ-rơ 4:12). Vì chính đó là điều tạo ra lòng tin quyết và sự sống mới.
Nhưng có thật cần thiết phải bảo vệ cho Cơ Đốc giáo hay không?
Nếu Phúc âm là quyền phép của Thượng Đế để cứu rỗi người ta, thì chúng ta là ai mà lại tìm cách bảo vệ, bênh vực nó? Dầu sao thì một con sư tử đâu cần được ai bảo vệ; người ta chỉ cần thả cho nó tự do mà thôi. Chắc chắn cũng có một vài bằng cứ hiển nhiên chứng minh cho quan điểm rằng Biện giải học là không thật sự cần thiết. Martin Luther, nhằm trả lời cho những người hỏi ông đã làm gì, để gây ra đủ thứ rắc rối bên Đức như thế, từng nói:
Tôi chỉ giảng dạy, và viết về Lời Thượng Đế mà thôi; ngoài ra tôi chẳng hề làm gì khác. Và trong khi tôi ngủ… thì Lời (Thượng Đế) đã làm cho ngôi giáo hoàng bị suy yếu đi rất nhiều đến nỗi chưa hề có nhà vua hay vị hoàng đế nào lại gây tổn thất nhiều cho nó đến thế. Tôi đã chẳng làm gì cả; chỉ có Thượng Đế đã làm mọi sự mà thôi (4:24).
Một nhà biện giáo hiện đại, Cornelius Van Til, nhấn mạnh rằng truyền giảng là phương pháp biện giáo hay nhất. Nhưng trong khi chúng ta đã thấy rằng lý trí vốn không thể thủ vai chính để đem đức tin đến thì nó lại thủ một vai trò rất quan trọng. Nếu nó không phải là nguyên nhân đầy đủ để tạo ra đức tin, thì nó là một nguyên nhân cần thiết để tạo ra đức tin. Trong khi có thể đúng là chưa hề có ai nhờ lý luận mà vào được Nước Trời, thì điều cũng rất thật, rất đúng, ấy là chưa hề có ai đã trở thành một Cơ Đốc nhân mà không hề có một lý do nào đó. Như thỉnh thoảng sẽ thấy, Đức Thánh Linh vốn thủ một vai trò chủ yếu, nhưng Ngài chỉ vận hành bên trong và thông qua lý trí chúng ta. Đức Thánh Linh sử dụng chân lý để khiến người ta sống lại và phục hồi địa vị cho người ta.
Tội lỗi có khiến cho lý trí trở thành không tin cậy được hay không? Tuy quả thật là tội lỗi có ảnh hưởng trên tất cả những gì một người làm, kể cả việc lý luận nữa, nhưng bảo rằng một ai đó hoặc đàn ông hoặc phụ nữ, mà không thể hiểu được chân lý khi có người trình bày nó cho người ấy, là không đúng. Hình tượng của Thượng Đế nơi con người đã không hề bị mất hẳn khi loài người sa ngã; các nhà thần học đã gồm luôn cái khả năng hiểu được chân lý này vào số các điều lợi ích của ân huệ phổ thông. Trong khi sự soi sáng của Đức Thánh Linh vốn cần thiết cho đức tin, thì chính là chân lý của Cơ Đốc giáo đã được soi sáng, và chính là vì cái chân lý ấy mà chúng ta phải phấn đấu để có thể có được nó.
Ai cần đến Biện giải học?
Cơ Đốc nhân, người không phải là Cơ Đốc nhân hay cả hai? Lẽ dĩ nhiên là chúng ta nghĩ trước hết đến những người không phải là Cơ Đốc nhân, vì có lẽ họ là những người chống lại đạo nhiều nhất. Thế thì Biện giải học liên hệ với công tác truyền giảng như thế nào? Điều rõ ràng là nhờ công tác truyền giảng mà người thường có thể đến được với Chúa Cứu Thế. Phao-lô nói “Vì thế gian…không nhờ khôn ngoan của Thượng Đế để nhận biết Ngài, nên Thượng Đế vui lòng dùng lối truyền giảng có vẻ khờ dại của chúng tôi để cứu rỗi những người tin nhận” (I Cô-rinh-tô 1:21). Sự khờ dại này – mà Tân ước gọi là tai tiếng của Phúc âm – vốn là tảng đá vấp phạm cho rất nhiều người; họ không chịu chấp nhận nó cả khi nó đã được trình bày và thấu hiểu rõ ràng, mà chẳng hề có luận cứ biện giáo nào lại có thể cất đi cái chướng ngại vật đó. Nhưng đối với một số đông người khác, thì không phải là sự khờ dại của Phúc âm đã gây trở ngại cho họ, nhưng là một cái tai tiếng có liên hệ với Cơ Đốc giáo. Có thể họ đang bị Cộng sản chủ nghĩa thu hút nên tự hỏi chẳng hay Cơ Đốc giáo có một chương trình nào tương đương như vậy để phát triển nhân loại không. Họ có thể rối trí vì vấn đề tội lỗi: làm thế nào Thượng Đế lại để cho những con người vô tội phải chịu đau khổ? Có thể họ đã nghiên cứu triết học và tự hỏi làm thế nào để hiểu được Cơ Đốc giáo thông qua các phạm trù triết học? Tat cả những thách thức này đều có thể và cần phải được đáp ứng. Mọi biện pháp bên ngoài nhằm tự vệ chống lại Cơ Đốc giáo cần phải bị triệt hạ để chân lý có thể thâm nhập trung tâm thành phố. Tại đọ, Biện giải học có một vai trò nhằm dọn sạch khu đất để dành chỗ cho tín ngưỡng, cất đi mọi chướng ngại vật trên đường để dọn đường cho việc truyền giảng Phúc âm. Muốn làm việc ấy, chúng ta sẽ luôn luôn phải trực diện với những câu hỏi chân thành và phấn đấu để đưa ra những lời đáp đã được suy nghĩ chín chắn.
Nhưng Biện giải học vốn có một vai trò trong đời sống người tín hữu nữa. Một thần học gia hiện đại, Paul Tillich đã lý luận rằng trong đức tin của tất cả mọi người đều có một yếu tố nghi ngờ. Có lẽ do hệ quả của việc làm người mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn có những thắc mắc nghiêm trọng đối với đức tin mà chúng ta phải đương đầu. Một phần của sự tăng trưởng trong sinh hoạt làm Cơ Đốc nhân bao gồm việc phải thẳng thắn đương đầu với các thắc mắc ấy mỗi khi chúng xuất hiện để đưa ra câu trả lời đúng nhất cho chúng. Bouillard nói, Biện giải học là “một đặc tính thiết yếu và là một trong những điều kiện thường trực của đức tin”.
Được nhìn dưới ánh sáng ấy, hoạt động biện giáo là dấu hiệu của sự cường tráng của đức tin Cơ Đốc. Điều luôn luôn là nguồn khích lệ cho riêng tôi với cương vị một giáo sư Biện giải học, ấy là chúng ta đã đặt nặng vấn đề phải trực diện với những phản bác. Biện giải học thường là một môn học đòi hỏi phải có trong chương trình của các trường Kinh Thánh và các chủng viện. Nhiều khóa học như thế chỉ nhằm mục đích đơn giản là tìm ra và đối đầu với bất cứ một thách đố nào cũng như với tất cả mọi thách đố hướng vào Cơ Đốc giáo. Phải chăng chúng ta cảm nhận là đang có một vấn đề gì đó? Phải chăng có một ai đó đã công kích đạo của chúng ta? Thế thì chúng ta phải khảo xét từng vấnđ ề một và xét xem mình có thể trả lời như thế nào cho hay nhất, xác đáng nhất. Một Cơ Đốc giáo cường tráng sẽ không thể tồn tại, trừ phi khi những thách đố như thế phải được đối đầu một cách chân thành.
Đâu là vai trò của sự mặc khải và của Đức Thánh Linh trong Biện giải học?
Rõ ràng Kinh điển là chuẩn mục cho việc tự vệ của chúng ta, cũng như cho mọi lãnh vực khác của đức tin và của việc hành đạo của chúng ta. Nhưng Kinh Thánh không đến với chúng ta dưới hình thức giải đáp được mọi thắc mắc của chúng ta. Thượng Đế luôn luôn ứng dụng sự mặc khải để đáp ứng tình trạng nhân sinh của chúng ta, và điều đó có nghĩa là Ngài tự bày tỏ mình ra cho chúng ta dưới các hình thức lịch sử và văn hóa riêng biệt mà chúng ta phải học để giải thích. Biện giải học có thể nêu ra cho chúng ta những câu hỏi mà lời đáp thì nằm trong Kinh điển, nhưng chúng ta phải có đủ kiên nhẫn để cẩn thận tự làm quen với ngôn ngữ và cấu trúc của Kinh điển hầu nghe được những điều mà Thượng Đế phán dạy chúng ta thông qua bộ sách ấy.
Kinh điển cung cấp một chuẩn mực cho việc thảo luận biện giáo theo hai cách: thứ nhất, sách ấy đề cập các biến cố cá biệt, mà khi được giải nghĩa đúng, sẽ là các biến cố nhằm mục đích cứu rỗi. Bộ sách ấy cung ứng nhiều thí dụ độc đáo và đầy đủ về sự tự mặc khải để cứu rỗi của Thượng Đế. Bắt đầu bằng công cuộc sáng tạo để dẫn tới ngày cáo chung được báo trước, các biến cố ấy họp thành cuộc đời và lịch sử của Cơ Đốc nhân. Chúng ta phải nhận ra điều mà bản thân ta có liên hệ với câu chuyện trong đó. Thứ hai, các biến cố ấy và cách giải nghĩa do linh cảm cung cấp cho chúng ta những điểm đối chiến nhằm tác tạo và nhào nặn tư tưởng chúng ta. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ tính tập trung của Thượng Đế, sự tốt lành của công trình sáng tạo và ảnh hưởng đáng buồn của tội lỗi, đó là chỉ kể ra vài luận đề căn bản mà thôi. Các luận đề ấy cung cấp cho chúng ta cả một cấu trúc dựa vào đó mà suy nghĩ về Biện giải học. Nhưng chúng ta không thể xây dựng một cấu trúc toàn diện để tham khảo, đối chiếu nếu không được sự trợ giúp bên ngoài.
Đây là điểm đề sự vật hành của Đức Thánh Linh chen vào. Đức Thánh Linh đến được ban cho chúng ta để làm chứng cho Chúa Cứu Thế và chân lý của sự mặc khải, nhưng Ngài không hành động trong cõi hư vô. Ngài không rỉ tai để trả lời cho chúng ta trong khi chúng ta ngồi đó với quyển Kinh Thánh mở ra trước mặt. Ngài vận hành bên trong và thông qua việc chú giải Kinh điển thật thận trọng, cung cấp việc phê bình liên tục có tích cách tiên tri cho đời sống và tư tưởng chúng ta, ứng dụng chân lý ấy cho lòng ta, và như John Calvin thường nói là chế phục tấm lòng của chúng ta để chúng trở thành dễ dạy. Đức Thánh Linh cũng không khiến cho lý trí và chứng cứ hiển nhiên trở thành không cần thiết; trái lại, Ngài vận hành bên trong và thông qua chúng để khiến cho ánh sáng lóe lên, và để chúng ta đầu phục phần chứng cứ hiển nhiên đã có sẵn trong đó rồi. Xin chúng ta đừng tự tách riêng ra khi tìm cách bảo vệ cho chân lý một cach thông minh, nhưng cũng đừng nên đề cao quá đáng tầm quan trọng của việc lý luận. Chúng ta chỉ nên đơn giản làm những gì mình có thể làm được, rồi cầu nguyện và chờ đợi để Chúa làm điều Ngài muốn.