“Nước chảy đá mòn.” Cứ kiên nhẫn làm việc, ta sẽ đạt tới mục đích. Kiên nhẫn là đức tánh cần phải có, là sức mạnh ắt được thắng.

Kiên nhẫn trong cuộc tạo tác

Chính sự kiên nhẫn đã xây Kim tự tháp (Pyramides) ở xứ Ê-díp-tô, dựng đền thờ tráng lệ tại thành Giê-ru-sa-lem, đắp Vạn lý trường thành ở nước Tàu, trèo lên các núi rất cao, mở đường hàng không vòng quanh thế giới, khai khẩn đất hoang ở Châu Mỹ làm nơi ở cho người các dân tộc. Chính nó lấy hòn cẩm thạch tạc nên pho tượng mỹ thuật, đem miếng vải thường vẽ thành bức tranh đẹp đẽ. Nhờ nó, người ta đã dệt được gấm vóc tinh xảo, khiến cho vẻ người càng thêm đẹp đẽ văn hoa; chế ra xe lửa, tàu thủy, máy bay, tàu ngầm, vận tải lanh chóng, giao thông tiện lợi, khiến cho năm châu chung chợ, bốn biển là nhà.

Kiên nhẫn trong khoa học

Nhờ nó, người ta đã nghiên cứu ngàn hình muôn trạng trong cõi thiên nhiên mà phát minh ra các khoa học, nói tiên tri về việc chưa đến, đo nơi khoảng không, tính độ số các vì tinh tú. Lại, cách đây vài mươi năm, các nhà khoa học đã kiên tâm nghiên cứu điện học, dùng vô tuyến điện mà nói chuyện với người ở xa. Trong một tạp chí kia có đăng tin rằng: người ra đã thí nghiệm biết tiếng người nói vòng quanh trái đất, chỉ mất một phần tám phút mà đi được độ 34.350 cây số, rồi lại trở về chỗ mình nói. Lạ thay! ba mươi năm về trước, mục sư C. đã gặp tấn sĩ Marconi ở Luân đôn, nhưng lúc ấy chẳng ngờ ông ấy sẽ phát minh được sự kỳ diệu như thế. Chắc vì ông ấy kiên tâm bươn theo mục đích cho đến khi được thành công vậy. Hiện đời bây giờ nhờ công nhẫn nại nghiên cứu của các nhà khoa học, chẳng những bởi vô tuyến điện nghe được tiếng, thấy được người, mà lại gởi hình ảnh chỗ nọ sang chỗ kia nữa.

Cho nên Tấn sĩ Goethe đã nói: “ Chỉ có hai đường đưa ta đến mục đích cao trọng: là sức lực và kiên nhẫn.” Nếu thấy việc mình chưa có hiệu quả, đã vội vàng ngã lòng bỏ dở, chắc chẳng bao giờ thành công. Trăm lần sai lầm, trăm lần lại khởi công.

Vẻ vang thay kết quả của kiên nhẫn! Nhưng, đối với cõi tinh thần và linh hồn người, thì nó chỉ là tạm thời mà thôi. Đem các khoa học, các mỹ thuật sánh với tánh nết cao thượng của người đúng đắn, nào có giá gì? Đem lâu đài rực rỡ sánh với đền Chúa trong linh hồn người tin kính, nào có ích gì? Dầu vậy, những bậc danh nhơn nổi tiếng trên lịch sử, có ảnh hưởng lớn với thiên hạ, ấy vì cớ gì? Vì họ kiên nhẫn, cố công rán sức mà học tập vậy. Lúc bé, họ cũng chỉ là một đứa con nít yếu đuối, vô tài, vô trí, không có quyền năng gì cả. Họ phải học lâu năm để biết chữ, biết viết, rồi mới làm được bài hay, phát triển được ý tưởng cao sâu có ảnh hưởng đến đồng loại.

Muốn làm ích cho xã hội cốt phải nhịn nhục làm lụng lâu năm trước khi thấy hiệu quả việc mình. Lắm khi ban đầu phải chịu người ta ngược đãi sỉ nhục, sau mới được thiên hạ ngợi khen. Có khi hột giống mình gieo phải qua mùa đông, nằm im dưới đất, rủi đến mùa xuân, kẻ gieo đã chết mất rồi. Dầu sao mặc lòng, ta cứ vui vẻ kiên nhẫn làm việc.

Gương kiên nhẫn

Coi kìa, mục sư Carey, con nhà nghèo, làm nghề đóng giày. Trong mấy năm ông vừa làm thợ, vừa dạy học, vừa giảng đạo. Đường đời Carey, cách đây hơn một trăm năm, chưa có hội Tin lành bên Ấn độ, là nước thờ tà thần, ông bèn lấy kiên nhẫn đánh đổ hết sự ngăn trở, nhằm năm 1793, khởi hành sang Ấn độ, học nhiều thứ tiếng để dịch Kinh thánh, tổ chức nhà in để in sách.

Chẳng dè, một bữa, ngọn lửa vô tình bỗng thiêu cả nhà in lẫn các bản thảo của ông. Vậy mà ông không ngã lòng, lại cứ cặm cụi làm trong hai mươi năm nữa, và xuất bản sách Kinh thánh bằng mười sáu thứ tiếng, truyền ra nhiều miền trong Á Châu. Bình sanh ông thích nhứt câu: “Hãy nhờ Chúa làm thành việc lớn cho mình; nhưng mình cố làm việc lớn cho Chúa.”

Khi Carey hãy còn thơ ấu, có một dật sư kể cũng thú vị: Số là, một hôm, Carey trèo cây bắt ổ chim, rùi té nhào, chơn bị thương. Sau đó mấy tuần, Carey gượng dậy, lại trèo lên cây ấy, bị mẹ mắng, bén chữa mình rằng: “Tánh con buộc con, nếu khởi sự làm việc gì, phải làm cho trọn, mới yên tâm.” Việc nhỏ mọn đó đử tỏ Carey kiên nhẫn can đảm dường bao! Tánh ấy giúp ích lắm cho ông trong việc giảng đạo ở nơi xa lạ.

Những người như thế thật là con của kiên nhẫn. Từ trẻ đến già, họ chẳng bao giờ “chịu thua.” Đối với họ, sự thất bại chỉ là thứ thuốc bổ sức; sự khó nhọc chỉ là bài học gắng công; sự nguy hiểm chỉ là ông thầy giục lòng mạnh bạo. Phàm người đã được danh vọng trong đời, đều có cái tánh kiên nhẫn như thế cả. Những người làm được thành công, chính nhờ kiên nhẫn hơn tài tự nhiên, hơn bạn thiết tha, hơn hoàn cảnh may mắn. Thiên tài nếu không liên lạc với kiên nhẫn, há có giá gì? Dầu ta nên quí tài năng, nhưng lại nên quí kiên nhẫn hơn nữa.

Có kiên nhẫn mới đắc thắng

Ai cũng thích giúp thanh niên có tánh kiên nhẫn, mạnh bạo, cố sức làm việc. Dầu đất động trời nghiêng, lắm nỗi thử rèn khó nhọc, nhưng một người thanh niên vẫn cứ bươn theo mục đích cao cả, thì chắc sẽ tìm được bạn thật để giúp mình trong hoàn cảnh khó khăn. Người ta thường coi khinh những kẻ có tánh sợ hãi, nhát nhát, lười biếng, do dự và phân tâm. Chính Chúa Jêsus đã phán: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đắng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Lu 9:62).

Trước hết phải biết chắc việc mình, nghề mình, chức mình là chính đáng đẹp lòng Đức Chúa Trời, rồi mới nhờ Chúa ban phước để cứ kiên nhẫn làm trọn. Vậy, hãy cương quyết nhằm theo mục đích. Hãy suy nghĩ, sửa soạn, làm lụng và hi sinh cho mục đích ấy. Hãy hết trí, hết tài, hết sức làm hco nó thành tựu, thì sự thạnh vượng sẽ đặt mũ triều thiên trên đầu anh em, là con yêu dấu của kiên nhẫn. Không cứ mục đích xa hay gần, công việc lớn hay nhỏ, đều cần phải có kiên nhẫn giục lòng tiến thủ.

Kiên nhẫn lại có thể đổi được tình hình khó khăn ra cảnh ngộ may mắn. Phàn nàn hoàn cảnh ngăn trở, chỉ tỏ là người nhút nhát dại dột mà thôi. Đám mây mờ tối, ý tưởng sợ sệt, và những sự phản đối ngăn cấm của kẻ thù sẽ tan hết khỏi mắt người kiên nhẫn. Sứ đồ Phao-lô đã treo tấm gương sáng cho ta: “Đôi phen tòi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tội đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ” (II Cô 11:23-27). Dầu vậy, nhưng Phao-lô vẫn mạnh bạo nói rằng: “Tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus” (Sứ 20:24). Ông lại quả quyết: “Tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một đều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy” (Phil. 3:13).

Kiên nhẫn trong cõi thiên nhiên

hãy coi trong cõi thiên nhiên có nhiều sự Chúa dạy ta về tánh kiên nhẫn: Núi kia dầu cao, nhưng nay gió mai mưa, lâu cũng mòn hết. Biển kia dầu sâu, nhưng sông chảy cát bồi, mãi cũng lấp đầy. Mấy miền to thuộc Thái Bình Dương lần bị lấp nghẽn bởi con san hô, là vật nhỏ mọn mắt người không thấy được. Các cuộc lớn lao kia cứ từ từ thành tựu ở trước mắt ta, đều là bài học kiên nhẫn cả. Một nhà trước tác có nói: “ Nếu không luyện tài, thì không thành tài, , cũng như cứ đựng hột cây trong rổ, thì không thành rừng.” Nhiều người chỉ phàn nàn không tớ được bẫ cao trọng, nhưng chẳng chịu làm để tới được bậc đó. Họ đang nằm ngủ, thế mà vẫn cứ hi vọng đồi đời nghèo khó ra đời giàu sang, đổi óc dốt nát ra óc học thức, Không được! Ai gieo hột dốt nát, buông luồng, biếng nhác, chắc sẽ lại gặt giống đó. Người thế dầu có tài năng đến đâu, cũng không có giá trị gì với xã hội. Kinh thánh chép rằng: “Con chó sống hơn là sư tử chết” (Truyền 9:4).

Kết luận

Ít người nhảy một bước lên bậc tôn trọng, ắt phải hằng ngày hằng tháng cứ làm lụng mãi, mới thành tựu được. Cái óc khác nào chơn tay, càng tập càng khỏe. Hết thảy danh nhơn đều là những người biết lợi dụng cái óc, hằng ngày tăng sức tự nhiên. Muốn chơn đi mau? Hãy tập chạy. Muốn trí mạnh mẽ? Hãy tập suy nghĩ theo nghĩ lý. Muốn được phát đạt thạnh vượng, hái trái những việc mình làm? Hãy cứ hằng ngày kiên tâm làm lụng. Nếu cứ nhút nhát thối lui, sợ sệt, ắt không đắc thắng. Dầu thấy mục đích hãy còn xa lắc, cũng đừng ngã lòng, vì ta mỗi ngày mỗi tiếng bước. Bao người thanh niên lầm lạc vì không tận tâm làm việc! Cố gắng làm lụng là giá mua lấy tấn tới. Hỡi người làm ruộng, làm máy, học trò, làm thầy giảng, mục sư, y sĩ, tín đồ! hãy nhận kỹ lẽ đó. Hỡi các môn đồ Đấng Christ, muốn nên người có giá trị cho xã hội, cho việc Chúa, thì “Mọi việc tay người làm được, hãy làm hết sức mình” (Truyền 9:10). Đừng rúng động, nghi ngờ, lưỡng lự, trốn cuộc chạy đua. Hãy cứ tiến lên, chớ lùi bước. Ta sống, không phải sống để chơi bời, sống để làm trò trong đời mộng ảo. Khoảng không có bao nhiêu ngôi sao, thì đời mình có bấy nhiêu số phận. Hãy chăm chỉ, số sắng, hăng hái làm việc kiên nhẫn, theo gương Đấng Christ, là Đấng đã phán: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4). Ai nấy đều có công việc Chúa giao, nếu không làm, thì sẽ thiếu lời Ngài khen: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm;… hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi” (Ma 25:21). – Bà C. soạn.

“Khó” là một tiếng giục người cần phải trổ sức thêm lên làm đạt tới mục đích.