Ai đã viết sách này?

Phục truyền luật lệ ký có nghĩa là “luật pháp thứ hai”, một thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn bắt nguồn từ chữ “mishneh” trong tiếng Hê-bơ-rơ trong Phục truyền luật lệ ký 17:18. Trong bối cảnh đó, Môi-se chỉ đơn giản là ra lệnh cho vua “chiếu theo luật pháp nầy mà những thầy tế lễ về dòng Lê-vi giữ, chép một bản cho mình”. Nhưng Phục truyền luật lệ ký không đơn thuần là một bản sao của Luật pháp. Sách được viết nhằm tái lập Luật pháp cho một thế hệ mới, thay vì chỉ là một bản sao của những gì đã có trước đó. Phục truyền luật lệ ghi lại “luật pháp thứ hai”- tức một loạt các bài giảng của Môi-se, trong đó ông một lần nữa trình bày các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên khoảng bốn mươi năm trước trong sách Xuất Ê-díp-tô ký và Lê-vi ký.

Đây là những lời mà Môi-se nói với tất cả dân Y-sơ-ra-ên. Quyền tác giả của Môi -se thường được hỗ trợ bởi truyền thống Do Thái (với toàn bộ Ngũ kinh) nhưng cũng từ trong văn bản Kinh Thánh. Nhiều lần, Phục truyền luật lệ ký khẳng định Môi-se là tác giả (1:1; 4:44; 29:1). Khi phán cùng Giô-suê, người kế vị của Môi-se, Đức Chúa Trời đã nhắc đến “quyển sách luật pháp này” như là điều mà Môi-se đã truyền lại (Giô-suê 1:8). Và khi các tác giả trong Cựu Ước và Tân Ước trong tương lai trích dẫn từ Phục truyền luật lệ, họ thường nhắc đến nó như một sách do Môi-se viết (I Các vua 2:3; II Các vua14:6; Ê-xơ-ra 3:2; Nê-hê-mi1:7; Ma-la-chi 4:4; Ma-thi-ơ 19:7)

Rõ ràng có nhiều sự chỉnh sửa văn bản sau khi Môi-se viết phần lớn sách. Ví dụ, ông không thể viết đoạn cuối cùng, nói về sự qua đời của ông. Tuy nhiên, những điều này và những thay đổi nhỏ khác không ảnh hưởng đến quyền tác giả được chấp nhận chung của Môi-se.

Chúng ta ở đâu?

Phục truyền luật lệ ký được viết vào khoảng năm 1406 trước Công nguyên, vào cuối bốn mươi năm lang thang trong đồng vắng của dân Y-sơ-ra-ên. Vào thời điểm đó, dân sự đã cắm trại trong đồng bằng Mô-áp, gần sông Giô-đanh, đối ngang Giê-ri-cô (Phục truyền luật lệ ký 1:1; 29:1). Họ đang chuẩn bị tiến vào vùng đất, điều đã được hứa ban từ nhiều thế kỷ trước với tổ phụ của họ (Sáng thế ký 12:1, 6-9). Những đứa trẻ rời Ê-díp-tô giờ đã trưởng thành, sẵn sàng chinh phục và định cư trong Đất Hứa. Trước khi điều đó có thể xảy ra, Đức Chúa Trời đã nhắc lại qua giao ước Môi-se với họ.

Tại sao sách Phục truyền luật lệ ký lại rất quan trọng?

Môi-se nhắn gửi lời nói của mình đến “toàn dân Y-sơ-ra-ên”, điều này được lặp lại ít nhất mười hai lần. Cụm từ này nhấn mạnh sự hiệp nhất của quốc gia, được khởi xướng bởi giao ước của họ với Đức Chúa Trời tại Núi Si-nai và được rèn giũa trong đồng vắng. Giữa chủ nghĩa đa thần lan rộng, Y-sơ-ra-ên khác biệt ở chỗ họ tôn thờ một Đức Chúa Trời duy nhất là Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời của họ là Đấng độc nhất vô nhị; không có ai khác giống như Ngài trong số tất cả các “thần linh” của các dân xung quanh họ. Phục truyền luật lệ ký 6:4 đã ghi nhận niềm tin này trong lời Shema, tuyên ngôn đức tin cơ bản của dân Do Thái mà ngày nay vẫn còn được lưu truyền. Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.

Phục truyền luật lệ cũng khôi phục Mười điều răn và nhiều luật khác được đưa ra trong Xuất Ê-díp-tô ký và Lê-vi ký. Sách gửi đến Y-sơ-ra-ên lời hướng dẫn từ Đức Chúa Trời về phương cách sống để được hưởng phước hạnh trong Đất Hứa. Đoạn 27 và 28 quy định các ân phước khi vâng lời và những sự rủa sả khi bất tuân

Ý chính là gì?

Không giống như giao ước vô điều kiện mà Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham, giao ước giữa Đức Giê-hô-va và Y-sơ-ra-ên mang tính song phương – như một con đường hai chiều. Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa của Ngài và ban phước cho dân sự nếu họ vẫn trung tín. Những người Y-sơ-ra-ên trưởng thành vào thời gian này hẳn không thể tham gia vào nghi lễ giao ước đầu tiên tại Núi Si-nai vì khi đó họ còn quá nhỏ. Do đó, Môi-se đã ôn lại Luật pháp ở ngưỡng cửa Đất Hứa, kêu gọi thế hệ mới này tái lập giao ước với Đức Giê-hô-va, cam kết đi theo đường lối của Ngài.

Làm thế nào để tôi áp dụng điều này?

Trong phần kết luận của Môi-se, ông đã kêu gọi dân sự,

Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống, thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu. (Phục truyền luật lệ ký 30:19-20)

Câu 20 nói đến việc yêu mến Chúa, Đức Chúa Trời ngươi, vâng lời và giữ chặt lấy Ngài. Đó là sự sống! Mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời là được đánh dấu bằng sự trung tín, trung thành, tình yêu thương và sự tận tâm. Hãy nghĩ về một cuộc hôn nhân lý tưởng – đó là bức tranh về cách Chúa muốn chúng ta tríu mến Ngài (Ê-phê-sô 5:28-32).

Làm thế nào bạn có thể nắm chặt Đức Chúa Trời? Hãy cầu nguyện và tái cam kết trong mối quan hệ vô cùng quan trọng này với Ngài.

Nguồn: Insight for Living (Charles Swindoll)