Ai đã viết sách này?

Nội dung của sách Lê-vi-ký liên quan trực tiếp đến sách Xuất Ê-díp-tô-ký, cung cấp bằng chứng cho thấy cùng một tác giả đã viết cả hai cuốn sách.  Các lập luận ủng hộ sách Xuất Ê-díp-tô-ký được viết bởi Môi-se, cũng ủng hộ quyền tác giả của Môi-se đối với sách Lê-vi-ký (Xem bài trước). Ngoài ra, chúng ta có thể tìm thấy hơn 50 lần trong sách Lê-vi-ký có nhắc đến những câu như là: “Đức Chúa Trời đã phán với Môi-se”. Tân Ước cũng đề cập đến Môi-se là tác giả của sách Lê-vi-ký (Ma-thi-ơ 8:4, Lu-ca 2:22, Hê-bơ-rơ 8:5).

Tên gọi Lê-vi-ký xuất phát từ chi phái Lê-vi, những người được Chúa dùng để làm thầy tế lễ và hướng dẫn dân sự thờ phượng Ngài. Là tiêu đề của sách, từ này được dịch từ Bản bảy mươi (Septuagint), có nghĩa là “liên quan đến người Lê-vi”, và mặc dù chi phái đó không được nhấn mạnh trong suốt cuốn sách, sách bàn về chủ đề công việc của thầy tế lễ nên tiêu đề này vẫn phù hợp. Nội dung ban đầu của sách Lê-vi-ký là nhằm hướng dẫn quốc gia Y-sơ-ra-ên mới thành lập cách thức thờ phượng và sống đúng đắn, để họ có thể phản ánh bản tánh của Vua thiêng liêng của họ.

Chúng ta ở đâu?

Sách Lê-vi-ký bàn về Luật pháp, đã được Đức Chúa Trời phán dạy Môi-se tại hoặc gần núi Si-nai, nơi mà người Do Thái đóng trại một thời gian. Bởi vì Đức Chúa Trời đã ban những luật chi tiết này sau Mười Điều Răn ban đầu, nhiều khả năng thời gian sự mặc khải này được ban cho là khoảng năm 1446 trước Chúa (trước Công nguyên). Không thể khẳng định mọi luật pháp có được viết ra tại thời điểm đó hay không; có thể là luật pháp đã được hình thành dần dần trong suốt bốn mươi năm lang thang trong đồng vắng.

Tại sao sách Lê-vi ký lại rất quan trọng?

Sách Lê-vi là cuốn sách đầu tiên mà trẻ em Do Thái bắt đầu học tập; nhưng thường là một trong những cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh mà Cơ đốc nhân muốn nghiên cứu. Độc giả ngày nay e ngại danh sách các luật liên quan đến chế độ ăn uống, sự hy sinh và hành vi xã hội trong sách này. Nhưng trong những chỉ thị rất chi tiết này, chúng ta nhận biết sự thánh khiết – sự tách biệt, khác biệt và hoàn toàn khác biệt- của Đức Chúa Trời. Và chúng ta học được cách tội lỗi tàn phá mối quan hệ của loài người với Đấng Tạo Hóa của mình.

Đức Chúa Trời thiết lập hệ thống hiến tế để dân sự thuộc giao ước của Ngài được hưởng sự thông công với Ngài qua sự thờ phượng; nó cũng cho phép hô ăn năn và đổi mới:

Khi một người Do Thái thờ phượng Chúa đặt tay lên con sinh tế, thì người đó xác nhận rằng con vật đó thay thế cho chính mình . . điều này vừa một sự chuyển giao mang tính tượng trưng vừa mang tính hợp pháp nhằm chuyển tội lỗi của anh ta cho sinh tế. Sau đó, Đức Chúa Trời chấp nhận sự chết của con vật…. như một khoản tiền chuộc cho một tội lỗi cụ thể đã khiến người này dâng tế lễ.

Nhiều năm sau khi Môi-se viết sách Lê-vi-ký, Chúa Jêsus đã đến để hiến dâng chính Ngài là của lễ tối thượng, thánh thiện và hoàn hảo, một lần cho tất cả, hoàn thành Luật pháp và vì thế mà không còn cần có thêm một con sinh tế nào nữa (Hê-bơ-rơ 10:10).

Ý chính là gì?

Thông điệp tổng thể của sách Lê-vi-ký là sự thánh hóa. Sách Lê-vi-ký truyền đạt rằng việc nhận được sự tha thứ và chấp nhận của Chúa cần được theo sau bởi lối sống thánh khiết và sự tăng trưởng thuộc linh. Lúc bấy giờ, dân Y-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời cứu chuộc, nên họ cần được thanh luyện thành một dân tộc xứng đáng với Đức Chúa Trời của họ. “Hãy truyền cho cả hội chúng y-sơ-ra-ên rằng: Hãy nên thánh, vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa trời các ngươi, vốn là thánh” (Lê-vi-ký 19:2). Trong sách Lê-vi-ký, chúng ta được học rằng Chúa yêu thương và muốn chúng ta đến gần Ngài, nhưng chúng ta phải làm theo luật pháp của Ngài.

Làm thế nào để tôi áp dụng điều này?

Chủ đề của sự thánh khiết này tiếp tục áp dụng cho hội thánh. Trong Tân Ước, I Phi-e-rơ 1:15-16 có liên hệ đến Lê-vi-ký 19:2 rằng “Nhưng, Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình” Những người được cứu bởi lòng thương xót của Chúa, ngày nay dâng một của lễ khác; họ dâng chính mình cho Chúa: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Cháu Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1).

Giống như đối với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã cứu chuộc và tận hiến mỗi một Cơ đốc nhân. Chúa Jêsus đã hiến dâng chính Ngài như của lễ hoàn hảo thay cho chúng ta, nhận lấy hình phạt mà chúng ta đáng phải nhận để chúng ta được tha thứ. Những người đặt niềm tin vào hành động cứu chuộc của Chúa Jêsus trở thành con cái của Chúa, được cứu bởi ân điển. “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8, 9).

Nếu bạn là con của Ngài, thì Ngài muốn bạn phản ánh bản tính của Ngài. Ngài đang thánh hóa bạn giống như Ngài đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên. Cuộc sống của bạn có đang bắt chước Ngài và phản ánh chính Ngài không? Bạn đang tăng trưởng để trở nên ngày càng giống Đấng Christ bằng những cách nào?

Nguồn: Insight for Living (Charles Swindoll)


Bạn có biết Kinh Thánh được viết trong ít nhất một khoảng thời gian một ngàn năm trăm năm và có hàng chục các tác giả khác nhau không? Tuy nhiên, có một chủ đề chính xuyên suốt trên các trang Kinh Thánh. Bạn có biết chủ đề đó là gì không? Và mỗi cuốn sách có ý nghĩa gì vì nó liên quan đến toàn bộ? Những ý tưởng chính được chứa trong mỗi sách là gì?

Tại đây bạn sẽ tìm thấy phần giới thiệu tổng quan các sách trong Kinh Thánh nhằm giúp bạn bắt tay vào việc tự học và nghiên cứu cuốn sách vĩ đại nhất từng được viết. Bạn sẽ thấy Kinh Thánh vẫn còn phù hợp với chúng ta ngày hôm nay.