Ai đã viết sách này?
Sách mang tên nhân vật chính. Giô-suê có nghĩa là Yahweh giải cứu, một cái tên thích hợp cho người đàn ông đã lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, dưới sự chỉ huy của Đức Chúa Trời, để chinh phục chiến thắng trên đất hứa. Các học giả tin rằng Giô-suê hoặc một người ghi chép dưới sự chỉ đạo của ông đã viết hầu hết sách này. Các đoạn đầu thuật lại những trải nghiệm trực tiếp (Bản NIV sử dụng các đại từ chỉ định “chúng tôi”, trong Giô-suê 5:1, 6 chẳng hạn) và các chi tiết về quân sự đáng được biết đến và do một vị tướng ghi lại. Giô-suê 24:26 đề cập đến việc Giô-suê tự viết một phần của cuốn sách. Sau cái chết của Giô-suê, các thầy tế lễ thượng phẩm như là Ê-lê-a-sa hoặc Phi-nê-a có thể đã bổ sung một số tài liệu trong sách này, những phần thuật các sự kiện sau cuộc chinh phạt (15:13-19, 19:47; 24:29-33).
Chúng ta ở đâu?
Các sự kiện của sách Giô-suê kéo dài khoảng hai mươi lăm năm, bắt đầu ngay sau khi Môi-se qua đời (Giô-suê 1:1) vào khoảng năm 1406 trước Công nguyên, trước khi cuộc chinh phạt bắt đầu. Cuộc chinh phạt Ca-na-an mất khoảng bảy năm, và bài giảng cuối cùng của Giô-suê và sau đó là sự chết của ông vào gần hai mươi năm sau đó. Sách bắt đầu với việc dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị sẵn sàng ở bờ sông Giô-đanh, đối diện Giê-ri-cô. Sách ghi lại chi tiết nhiều chiến dịch quân sự để đánh bại cư dân của vùng đất này. Sách kết thúc với việc Giô-suê tập họp dân sự để nói những lời động viên sau cùng.
Phần lịch sử này được viết cho những người dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng đã định cư trên đất hứa. Mặc dù dân sự vừa chính thức là những kẻ chinh phục đắc thắng, Giô-suê nhắc nhở họ rằng cuộc chinh phạt chưa hoàn thành: “phần xứ phải đánh lấy còn nhiều lắm” (13:1).
Tại sao sách Giô-suê lại rất quan trọng?
Sách Giô-suê ghi lại đỉnh điểm của hành trình của dân Y-sơ-ra-ên đến đất hứa. Ở đây, chúng ta thấy Đức Chúa Trời thực hiện lời Ngài hứa ban vùng đất Ca-na-an cho con cháu Gia-cốp. Sách Giô-suê miêu tả Đức Chúa Trời như là tướng quân của họ, Đấng lãnh đạo dân Ngài chiến thắng nếu họ tin cậy và vâng lời Ngài.
Sách Giô-suê kể lại một câu chuyện đầy những mâu thuẫn. Một mặt, Đức Chúa Trời đã ban cho vùng đất mà Ngài đã hứa cho dân sự. Mặt khác, dân sự không thể sở hữu đất đai hoàn toàn, họ cho phép một số cư dân của vùng đất này ở lại. Đức Chúa Trời đã hoàn thành phần phần Ngài hứa thực hiện, nhưng dân Y-sơ-ra-ên không hoàn thành phần của họ. Các dân xứ Ca-na-an đã trở thành một ảnh hưởng tai hại trên dân Y-sơ-ra-ên sau nhiều năm trôi qua.
Trong sách này, chúng ta tìm thấy những lời tường thuật về sự thành tín: Ra-háp (Giô-suê 2:1- 21), trận chiến Giê-ri-cô (6:1-27) và chiến binh Ca-lép (14:6-14). Chúng ta cũng chứng kiến sự bất tuân và hậu quả của nó: tội lỗi của A-can (7:1) và kết quả là sự thất trận ở thành A-hi (7:5), thất bại của một số chi phái trong việc tiêu diệt kẻ thù như Đức Chúa Trời truyền lệnh, và thậm chí Giô-suê đã lập một hiệp ước với dân Ga-ba-ôn mà không tìm kiếm Đức Chúa Trời trước tiên (9:1-27).
Ý chính là gì?
Sách Giô-suê được viết cho con cháu của những người đã chinh phục vùng đất này, như một tường thuật lịch sử về cách họ đã đến định cư ở đó. Điều này tôn vinh Đức Chúa Trời là tướng quân, Đấng bảo vệ và Vua của họ. Nó cho thấy ranh giới địa lý được trao cho mỗi chi phái Y-sơ-ra-ên. Thậm chí quan trọng hơn, sách Giô-suê đóng vai trò là câu chuyện kết nối giữa thời của Môi-se và thời của các quan xét, khi sách được lưu hành lần đầu tiên. Đất hứa mà Môi-se đã bắt đầu và nỗ lực để đạt được trong đồng vắng, Giô-suê đã có thể chiếm được cách đắc thắng. Lời hứa của Đức Chúa Trời qua các thời đại đã được thực hiện trước mắt dân sự. “Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng nghiệm hết.” (Giô-suê 21:45).
Làm thế nào để tôi áp dụng điều này?
Một vài câu cuối của sách Giô-suê thuật lại ba sự chôn cất: Giô-suê (Giô-suê 24:29-30), xương cốt của Giô-sép (24:32) và Ê-lê-a-sa là thầy tế lễ thượng phẩm (24:33). Nghe có vẻ lạ lùng, các lần chôn cất này tuyên bố bản tính của Đức Chúa Trời . Cả ba người này đều gắn liền với những ngày Y-sơ-ra-ên bị giam cầm (Giô-sép từ xưa khi gia đình Gia-cốp lần đầu định cư ở Ai Cập, và Giô-suê và Ê-lê-a-sa là những chàng trai trẻ trên hành trình dài xuyên qua đồng vắng). Và bây giờ cả ba nằm yên trong miền đất hứa, làm chứng cho sự thành tín của Đức Chúa Trời .
Đức Chúa Trời là Đấng giữ lời hứa đến cuối cùng. Là Đấng thành tín và hiện hữu như Ngài đã ở cùng Y-sơ-ra-ên, Ngài cũng ở với chúng ta. “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. (1:9).
Nguồn: Insight for Living (Charles Swindoll)
Bạn có biết Kinh Thánh được viết trong ít nhất một khoảng thời gian một ngàn năm trăm năm và có hàng chục các tác giả khác nhau không? Tuy nhiên, có một chủ đề chính xuyên suốt trên các trang Kinh Thánh. Bạn có biết chủ đề đó là gì không? Và mỗi cuốn sách có ý nghĩa gì vì nó liên quan đến toàn bộ? Những ý tưởng chính được chứa trong mỗi sách là gì?
Tại đây bạn sẽ tìm thấy phần giới thiệu tổng quan các sách trong Kinh Thánh nhằm giúp bạn bắt tay vào việc tự học và nghiên cứu cuốn sách vĩ đại nhất từng được viết. Bạn sẽ thấy Kinh Thánh vẫn còn phù hợp với chúng ta ngày hôm nay.