Ngài sẽ được xưng là Đấng lạ lùng (Ê-sai 9:5)
Tối nọ, tôi đứng trên bờ biển, thình lình nổi cơn dông tố dữ dội. Đang khi tiếng Chúa vang dậy trên mặt nước, tôi há nên trở lại nhà mà không chịu ở đây để nghe sao? Tôi đứng xem chớp nhoáng và nghe sấm vang. Biển gào to để ganh với tiếng sấm ù ù! Dầu vậy, tiếng Chúa lớn hơn giọng gầm thét của làn sóng; kìa, Ngài dùng chớp nhoáng để chỉ đường cho ba đào.
Trời u ám, mây đen kịt, thỉnh thoảng mới có một ngôi sao lấp lánh chỗ mây thưa. Nhưng cách một lúc, xa thấy một vầng hào quang đỏ ối trên mặt biển. Đó là ánh sáng mặt trăng đang ẩn sau đám mây. Vầng trăng chiếu rọi được mặt nước xa kia, là vì tại đó mây không có mây che khuất. Tôi vừa đọc sách Ê-sai 9:5, bèn tưởng Đấng tiên tri đã chép câu ấy khi đang đứng trong hoàn cảnh như tôi đây.
Chung quanh ông chắc có mây mờ, tiếng sấm tiên tri gầm thét, và luồng chớp thạnh nộ sáng lòa. Bóng tối trải qua mọi thời đại của lịch sử thế gian; nhưng ông thấy hào quang trên trời chiếu rọi ở nơi xa lắc, bèn ngồi xuống viết câu: “Dân đi trong tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết.” (Ê-sai 9:1) Dầu suốt một thời gian lâu dài, ông chỉ thấy “Cả giày-dép của kẻ đánh giặc trong khi giao-chiến, cùng cả áo-xống vấy máu” (Ê-sai 9:4), nhưng trong cõi tương lai, ông cũng thấy nơi sáng láng, nên quả quyết rằng tại đó có sự trông cậy về bình an, thạnh vượng và phước lành. Nên chi ông nói: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng…” (Ê-sai 9:5).
Hỡi anh em, hiện nay chúng ta gần nơi có ánh sáng ấy. Thế giới dầu bị mây tối bao phủ, song bây giờ hào quang chiếu trên ta như tia sáng thứ nhất lúc rạng đông. Ta gần tới ngày sáng la1ngg hơn, và “đến buổi chiều sẽ có sự sáng” (Xa-cha-ri 14:7). Đức Chúa Trời không còn cần đến đám mây tối tăm, nhưng sẽ cuốn nó như cuốn áo choàng. Rồi Ngài sẽ hiện ra trong vinh hiển, và dân ngài được khoái lạc với Ngài. Nhưng hãy chú ý: cả ánh sáng đó được tạo bởi “Con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta;… Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng.” Hết thảy tia sáng chiếu vào lòng ta hoặc sử ký thời gian đều do “Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận, là Đức Chúa Trời Quyền-năng…”
Chúa Jêsus đáng được xưng là Đấng lạ lùng, vì ba cớ:
1. Vì địa vị quá khứ của Ngài
Hỡi anh em, hãy để vài phút mà chuyên chú cả tâm tư ý tưởng vào Đấng Christ, thì biết Ngài lạ lùng dường nào! Trước các thời đại và vũ trụ, Ngài đã có, và hằng có. Ngài cùng một bổn thể với Cha, được sanh ra, chẳng chịu dựng nên, đủ mọi bổn tánh, ngang hàng, và đồng có đời đời với Đức Chúa Trời, – thật là Đức Chúa Trời! Xin nhớ rằng Đấng trở nên con đỏ bằng một nắm tay chính là Vua các thời đại, có từ đời đời đến vô cùng. Khi người thiếu niên được nghe cụ già thuật chuyện từng trải, đáng lạ xiết bao! Nhưng, thử sánh đời người già đó với cây dẻ bộp, thì thấy ngắn ngủi quá chừng! Vì cây dẻ bộp đã có trước khi cha của người già mới tập bò. Khi dẻ bộp còn ngủ trong hột giống, đã trải qua bao cơn dâu biển, cuộc thạnh suy! Nhưng đời cây dẻ bộp sánh với vùng đất dưới gốc, thì lại ra sao? Sánh lịch sử đất với hòn đá dưới nó, có lẽ đá thuật được lúc “đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực.” Nhưng sánh đá với biển mà ngăn đội thủy quân đã vượt qua, không để lại chút dấu vết? Thử sánh lịch sử biển với bầu trời như tấm màn phủ, lấp lánh những ngôi sao? Nhưng đem lịch sử bầu trời sánh với các thiên sứ? Còn các thiên sứ sánh với lịch sử Đấng Christ, thì sao? Chỉ như một ngày đã qua, không có giá trị gì cả. Hỡi tín đồ, hãy kính cẩn nhóm quanh ngôi Cứu Chúa, là Đấng Lạ lùng, vì “muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”
Lạ thay, Đức Chúa Trời trở nên xác thịt! Ôi, Đấng hằng hữu, “Tóc trên đầu Ngài như lông chiên sạch, “ bỗng oa oa mấy tiếng mà ra đời, mầu nhiệm biết bao! Ngài sanh ra, bú mẹ là bà Ma-ri, nằm trong máng cỏ thành Bết-lê-hem. Hỡi thiên sứ! Đối với sự hiện thấy đó, có ngạc nhiên không? Mọi kỳ quan trong vũ trụ sánh với lẽ mầu nhiệm Chúa thành nhục thể, chẳng thấm vào đâu. Đấng vô cùng mà thành con trẻ, hằng hữu mà chịu sanh bởi đàn bà, toàn năng mà cần bú mẹ, nâng đỡ vũ trụ mà cần mẹ bồng ẵm, làm Chủ trời đất mà được gọi là on Giô-sép, kế tự muôn ật mà là con thợ mộc hèn hạ. Hỡi Chúa Jêsus, danh hiệu Ngài thật lạ lùng, lạ lùng đến đời đời!
Cứ xét bước chân Cứu Chúa đã đi, thì cả đường đầy vết lạ lùng. Khi thấy Ngài nhịn chịu kẻ thù gièm chê mắng nhiếc, ngậm miệng làm lơ những tiếng phỉnh báng ngôi thánh Ngài, thì ta há chẳng kinh ngạc lắm sao? Nếu được cầm quyền vô thượng như Ngài, chắc ta chẳng chịu ai sỉ nhục, khạc nhổ, nhưng trái lại, phồng má, trợn mép, căm giận kẻ làm hại mình, mà xô linh hồn họ xuống vực sâu khốn cực đời đời. Vậy mà Ngài cứ giữ vững tinh thần cao thương, -Sư tử chi phái Giu-đa nhu mì như chiên con chịu ngượi đãi. Đối với Jêsus Na-xa-rét, Vua trên trời trở nên một người trên đất, chịu nghèo hèn, bắt bớ, hành hạ, thì tôi tin, nhưng không hiểu được, vì quá lạ lùng.
Coi kìa, Ngài đang treo trên cây gỗ. Ngài chết rồi! Các bà đang khóc lóc. Giô-sép, người A-ri-ma-thê, cất thây không sống Ngài khỏi thập tự mà chôn tại mộ trong vườn. Ngài thật chết chăng? Thử nhắc tay lên xem nào. Rụng xuống, cứng đờ rồi! “Ô! Ô!” Người Giu-đa kêu: “Đấng Mê-si thế à? Phải coi chừng, kẻo môn đồ nó đến lấy trộm thây hăng. Nó chết rồi! Có phải Đấng Lạ lùng đấy ư!” Nhưng Đức Chúa Trời không để hồn Ngài nơi âm phủ, không để xác Ngài hư nát. Chắc lắm, dầu chết, cũng là Đấng Lạ lùng. Không ai buộc Ngài trong mồ được. Đối với xiềng xích chết vẫn cầm buộc hàng triệu con cái A-đam, Ngài chỉ coi như sợi chỉ mà thôi. Sự chết đã buộc Sam-sôn xưa mà rằng: “Này, nó bị bắt rồi, bị hớt tóc sức mạnh rồi, bị mất vinh hiển rồi, nay thuộc về ta.” Xiềng xích đó dầu buộc mãi đồng loại, nhưng không thể trói được Cứu Chúa. Chúa đã sống lại, không chết nữa, thật đã sống lại, và lên trời rồi. Nay ta đã tới chót núi của sự đáng lạ, xin đứng cao mà lớn tiếng hô lên rằng: Lạ lùng thay Đấng Christ!
2. Vì địa vị hiện tại của Ngài.– Xin thuật chuyện tôi lấy làm lạ về Đấng Christ. Trước kia, đối với Chúa, tôi chẳng lạ gì. Đẹp Ngài ở đâu? Sao tôi không thấy? Quyền Ngài ở đâu? Sao tôi không nghe? Một hôm, xông tới nhà tôi một người, mặt đen, bộ dạng ghê tởm. Nó gõ cửa, tôi vội khóa lại, tôi không cho vào. Gõ đi gõ lại, nó vào được, cất tiếng ậm ọc mà rằng: “Ta đem sứ mạng Chúa truyền cho mày, vì mày đã bị lên án.” Tôi ngơ ngáo nhìn nó, rồi hỏi tên. Nó đáp: “Tên ta là Luật pháp.” Tôi bỗng té xuống chân nó, bất tỉnh nhân sự. “Ngày xưa không có luật pháp mà tôi sống, nhưng khi điều răn đến, thì tội lỗi lại sống, còn tôi thì chết.” (Rô-ma 7:9). Tôi bị nó đánh đến khi dường như tan xương, lòi ruột; nằm trên cái nọc, bị chông đâm, bị đánh bằng roi thép nung đỏ. Trái tim tôi đông lại như cục sáp, thật quá đau đớn khổ sở! Không dám ngước nhìn lên, nhưng tôi tưởng có lẽ còn chút hy vọng và tình yêu thương, có lẽ Đức Chúa Trời sẽ hứng nước mắt tôi, ban lời hứa sửa mình tôi, khiến được sống: Nhưng khi tưởng đến đó, thì tên Luật pháp kia dường như đánh tôi mạnh hơn, đau hơn lúc trước. Bao nhiêu hy vọng của tôi đều tan hết sạch. Bóng tối mờ mịt kéo đến phủ tôi; tiếng xô xát, tiếng rên siết, tiếng nghiến răng đập mạnh vào màng tai tôi. Bụng bảo dạ: “Chúa đã lìa bỏ, khinh bỉ, giày đạp tôi trong vũng bùn trên đường thạnh nộ Ngài.” Êm thay, thình lình hiện đến một Người, dáng buồn bực, nhưng yêu thương thương, cúi mình trên tôi, mà rằng: “Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi.” (Ê-phê-sô 5:14). Khi đang kinh ngạc, thì Người nhắc tôi lên, đưa đến nơi có thập tự giá, rồi biến mất, hiện trên cây đó. Kìa! Người đang đổ huyết trên cây, nhìn suốt lòng tôi bằng con mắt yêu thương không kể xiết. Khi tôi thấy Người, tức thì được lành những vết sây sứt trong linh hồn, được hàn khẩu miệng thương tích, được toàn vẹn những đốt xương vỡ, được lột bỏ quần áo rách rưới, phiếu trắng linh hồn như tuyết, nức lòng hát tiếng vui mừng, vì tôi đã được cứu rỗi, rửa sạch, và tha thứ bởi Đấng treo trên cây. Ôi, tôi được như thế, há chẳng đáng lạ lắm sao? Chúa có quyền cho tôi được bình yên, hòa thuận với Ngài, lạ lùng thay! Nếu độc giả đã trở lại với Chúa, chắc phải khen rằng: “Ngài thật là Đấng Lạ lùng!”
Từ đó, tín đồ dầu gặp bối rối, nhưng biết chỉ như bóng tối làm ngọc giạ quang càng thêm sáng lòa. Ngoài lò lửa, khó thấy rõ Chúa là Đấng Lạ lùng. Nhờ danh Ngài, tín đồ được cất từ mặt đất lên cửa trời, quên nỗi buồn bực, cứ bay lên, dường có Cứu Chúa hiện trước mặt mình: lòng đầy Đấng Christ, hồn thấy Đấng Cứu Chuộc. Mây tối bấy lâu che khuất mặt Ngài, nay phải cuốn đi. Bấy giờ, mới hiểu lời Phao-lô. “Tôi biết một người trong Đấng Christ… đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết).” (II Cô-rinh-tô 12:2) Sao Phao-lô ngất trí như thế? Bởi âm nhạc, bởi giàu sang, bởi thông minh, bởi tánh vui chăng? Không, chỉ bởi Chúa Jêsus. Danh đó có đủ quyền cất tín đồ lên cõi sáng láng, là nơi các thiên sứ bay trong buổi trời quang mây tạnh.
3. Vì địa vị tương lai của Ngài.– Ngày đã tới. Ngày nào? Ngày thạnh nộ, ngày lửa. Các thời đại đã trọn; thế kỷ cuối cùng dường như cây trụ đứng sau đền cổ đã đổ sụp và tan vụn từng mảnh. Đồng hổ của thì giờ gần đánh tiếng cuối cùng. Giờ đã tới. Mọi sự làm ra đều biến mất cả. Kìa! Ruột trái đất rúng động. Hàng ngàn gò nổng mở cho kẻ chết ra. Chiến trường không được máu rảy tưới nữa, nhưng dấy lên muôn vàn người. Biển bấy lâu nuốt vô số người, nay phải mửa ra để họ đứng trước tòa Đức Chúa Trời. Hỡi tội nhân! Nay dược sống lại từ mồ mả. Cột trụ của từng trời lảo đảo, và chính từng trời cũng lay chuyển. Mặt trời như mắt thế gian, ngơ ngáo giống người điên sợ hãi. Mặt trăng bấy lâu làm vui ban đêm, nay hóa như cục huyết, vẽ cảnh đêm trường kinh khiếp. Các dấu kỳ điềm lạ vượt quá trí tưởng tượng đó làm rung từng trời, tan lòng người. Giữa vinh quang, thình lình hiện đến một Đấng giống Con người.
Hỡi tội nhân! Thử nghĩ khi thấy mặt Chúa, thì mình kinh ngạc biết bao. Hỡi Voltaire! Ông ở đâu? Sao trước dám nói sẽ chà nát Ngài? Nay hãy đến chà nát đi! Chắc Voltaire sẽ đáp: Ngài không phải như trước tôi tưởng. Khi thật gặp Đấng Christ, Voltaire sẽ ngạc nhiên lắm nhỉ. Hỡi Giu-đa! Nay hãy lại hôn Ngài bằng cái hon phản bội! Chắc Giu-đa sẽ đáp: “Tôi không dám làm vậy nữa; trước tưởng chỉ hôn con trai Ma-ri, chớ không biết là Đức Chúa Trời hằng sống.” Hỡi các vua chúa thế gian! Nay hãy đến bàn nghị đi, hãy dấy nghịch cùng Chúa đi! Chắc họ sẽ đáp: “Ấy thật lạ lùng! Chúng tôi quả không biết Ngài đến thế.” Kìa Đấng Christ sẽ phán: “Đừng cứ tưởng lầm ta như các ngươi đâu. Nay ta ngự trong vinh quang Cha mà đến xét đoán kẻ sống và kẻ chết.” Hỡi kẻ khinh dễ Đấng Christ, không chịu nhận Ngài là Cứu Chúa, chẳng khứng đọc Kinh Thánh và nhóm lại thờ phượng, khi thấy Ngài ngự đến với các thiên sứ thánh, thì sẽ lạ lùng sợ hãi run rẩy ra sao?
Còn phần rất lạ về ngày phán xét có lẽ như vầy: Có thấy những cảnh ghê gớm kia không? – Mây đen mờ mịt, đầy vẻ kinh khiếp; các ngôi ssao đụng nhau, rớt xuống như trái cây rụng? Tiếng kêu vang dậy: “Đá ôi! Xin hãy rơi xuống. Núi ôi! Xin hãy chận lại, để che chúng tôi khỏi cơn thạnh nộ này.” Lửa cháy phừng phừng, khói bốc ngùng ngụt. Chẳng hề có chiến trận nào kinh khiếp như thế. Này, thấy gì kia không? Mọi sự yên lặng. Tại đó đứng hàng muôn vạn người đã được chuộc. Họ có kêu khóc, rên siết không? Không.
Coi kìa, họ đang nhóm họp, nhóm họp quanh ngôi Chúa. Chính ngôi đó dường như trăm cái bàn tay trải sự chết và tung hoạn nạn trên tội nhân, nay đã hóa ra một vầng mặt trời sáng chói ban vui cho mọi tín đồ. Có thấy họ mặc áo dài trắng, lững thững đang đi, che mặt đứng trước ngôi Ngài chăng? Có chăng nghe họ tung hô: “Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng… Ngài đã chịu chết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước?” Có nghe họ hát bài ca mà không đọc điếu văn chăng? Trọn vẹn vui vẻ, chẳng chút sợ sệt. Đối với họ, danh Chúa thật lạ lùng, nhưng lạ lùng về khen ngợi, về yêu mến, chớ không phải về kinh khiếp, về gớm ghê. Thánh đồ ôi! Chắc sẽ biết mọi điều lạ lùng của danh Ngài, khi “sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.”
Tinh thần ngày Noel là sự vui được bởi từ mình chia vui với người khác. Trung tâm điểm của thiệt sự ngày đó là Đấng Christ yêu thương ta, đến ở giữa ta, và chết thay ta. Vậy, tín đồ không nên ích kỷ, riêng hưởng vui đó một mình. – A. B. S