“Cờ-bạc là bác thằng bần, Gia-tài bán hết, cho chơn vào cùm.”
CÁI hại cờ-bạc khác nào bịnh dịch truyền-nhiễm trong xã-hội, kinh-khiếp biết bao ! Đã có máu mê cờ-bạc, thì bất cứ kẻ giàu người sang, cũng chẳng khác đứa trẻ rách-rưới đánh đáo ở ngoài phố vậy.
Con ma cờ-bạc thật giống như con rồng nhiều đầu. Coi một đầu nầy, thì người ta kể nó là vật đáng khinh, là quân đi dỗ người vào sóng bạc để ăn-cắp, là đứa làm cho lắm người thiếu-niên sanh ra buông-tuồng bậy-bạ. Ai cũng công-nhận nó là một thằng nguy-hiểm, pháp-luật cần phải ngăn-cấm.
Coi một đầu khác, thì thấy nó là một ông ăn-mặc bảnh-bao sang-trọng lắm. Ai cũng nể ông, chào ông. Ông không đánh bạc, nhưng ông bày mưu lập kế, lừa dịp buôn gạo hơn, chứa vào kho, không chịu bán. Đến khi gạo kém, dân đối, cần phải đong của ông, thì ông chẹn hầu bóp cổ thế nào mà chẳng phải chịu ! Túi ông càng nặng, tội ông càng to; nhưng ai dám kiện ông bây giờ.
Còn một đầu khác, là những kẻ ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, khi đến chơi nhà nhau, thường hay tìm thú mua vui bằng quân bài lá bạc. Tuy không bóc-lột ra mặt, nhưng ai đỏ, cũng được món tiền khá to. Ban đầu, tưởng là tiêu-khiển ; nào ngờ tập lâu thành quen, lần-lần say-đắm, không còn phân-biệt nhà quen với sòng bạc nữa.
Lại thấy một đầu nữa, là ngày tết, nhiều nhà họp cha con, anh em, vợ chồng lại mà tổ-tôm, tam-cúc, chẵn lẻ, tài-bàn để thường xuân. Đã ngồi đánh bạc, thì ai cũng muốn được ; đã muốn được, thì phải vì lợi ; đã vì lợi, thì vì nhiều người không biết nó là nguy-hiểm, nên mới dung-túng nó. Lắm người tai mắt trong xã-hội cũng để bạn-hữu đánh bạc ở nhà mình mà không biết thẹn ! Chớ bảo ta có đồng tiền trong tay, muốn chơi gì thì chơi, vì tiền đó là của riêng ta, ai dám ngăn-cấm? Không nói thế được ! Đồng tiền cũng như đồ-ăn mà giày chơn lên được. Ai không biết dùng tiền phải đường, nấy có tội với nhơn-loại. Vậy, đã gọi cờ-bạc, thì toàn là xấu cả, chớ chẳng có gì là tốt. Xin phép độc-giả, tôi lên án nó:
Cờ-bạc xui người ưa-thích dị-đoan. Lắm người vì mê cơ-bạc, thường tin rằng số mình có cái “hoạnh-tài,” có thể nhờ nghề cờ-bạc mà phát tài được, nên ngày đêm cứ mải-miết với lá bạc quân bài, cầu sự ưa-may làm nên giàu có, chớ không thiết gì làm-ăn cả.
Cờ-bạc dạy người khinh-để việc làm và phá-hủy cái chí tiến-thủ. Chàng thiếu-niên hay người đầy-tớ đã đe tiền đánh bạc : bỏ ra một đồng, nháy mắt được ngay một chục, một trăm, kiếm tiền dường như dễ lắm. Đến lúc phải mó tay là việc, nước mắt mồ-hôi, cả tháng mới được mươi lăm đồng hoặc vài ba chục, thì bụng bảo dạ : Tội quái gì mà phải đi làm, đầu tắt mặt tối, cùn cả móng tay, chỉ được có bấy nhiêu tiền ! Chi bằng ta cứ kiếm ăn bằng nghề cờ-bạc, chẳng cũng dễ và nhẹ hơn sao ? Vì thế, sợ khó-nhọc, chán công-việc, không tìm sanh-kế nữa.
Cờ-bạc làm hỏng tánh người. Người nào đã đa-mang cờ-bạc, thì sanh bê-tha, nhơn-cách không ra sao nữa! Quả thật, chữa người nghiện rượu còn dễ hơn người nghiện cờ-bạc, vì cờ-bạc cũng như tội-ác dính vào lòng nf , gây nên không biết bao nhiêu thói xấu.
Cờ-bạc làm hại thân-thể và tinh-thần người đời. Thân người cần phải giữ vệ-sanh, mới được khỏe mạnh. Những người đánh bạc suốt đêm, ăn không thiết, ngủ chẳng màng, sao khỏi da vàng, mặt bủng ? Thân-thể đã yếu-đuối thì tinh-thần cũng suy-đồi, còn gánh-vác việc đời sao được ?
Cờ-bạc làm nát gia-đình. Đờn-ông đánh bạc, ắt không lo làm tròn bổn-phận đối với vợ con. Kiếm được đồng nào, thua đồng ấy, khiến cho vợ con nheo-nhóc, đói rét, khổ-sở trăm đường. Lắm khi lại đi vay tiền nặng lãi ; vay không trả được, thì mất việc, ngồi tù, bị tịch-biên gia-sản, bỏ xứ mà đi. Đờn-bà đánh bạc, ắt chẳng lo làm tròn bổn-phận đối với chồng con. Bao nhiêu việc nhà giao cho chị sen, anh nhỏ, không còn để mắt đến việc gì cả. Vả, tụ năm tụ ba, đi đêm về hôm, cũng vì thế mà xảy ra nhiều đều ám-muội. Ôi ! biết bao gia-đình tan-nát, diễn thành lắm tấn thảm-kịch, chẳng cũng vì cờ-bạc mà nên nỗi đấy ư?
Cờ-bạc buộc người phạm tội ăn-cắp. Không phải móc túi cắt bao mới là ăn-cắp đâu ; ngồi một chỗ, được tiền cách nhưng-ko , cũng là ăn-cắp. Vì mình đánh được một trăm bạc, thì trăm bacj ấy không phải bởi mình khó-nhọc làm nên, mà chính là tiền túi những người ngồi cùng đám bạc với mình vậy. Hiệu buôn không dám dùng người đánh bạc làm việc ; nhà băng không dám dùng người đánh bạc giữ két. Vì người nào đã có máu mê cờ-back, thì khi túng phải tính, khó khỏi cái nạn “thụt két” được.
Kinh-thánh dầu không nói đến cờ-bạc, cũng như không nói đến rượu, thuốc phiện và bán mọi, nhưng đại-ý sự dạy của Chúa Jêsus vẫn nghịch cùng những sự làm haị đồng-loại đó. Ngài dạy : “Hễ đều chi các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm đều đó cho họ” (Ma 7 : 12). Vậy, không muốn người bóc-lột mình, thì mình há nên bọc-lột người sao ? Chúa lại phán : “Nếu ai gây cho chỉ một kẻ nhỏ nầy phạm tội, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Lu 17 : 2). Nếu xã-hội biết vâng-phục Chúa, thì những tội xấu kia sẽ lần-lần biến mất dưới bóng công-bình sáng-láng của Ngài. -Bà C. soạn.