Kinh Thánh: Lu-ca 11:1-13
Lời cầu nguyện của Chúa Jêsus, không chỉ là bài học thuộc lòng trong dịp trại Thánh Kinh Mùa hè. Chúa Jêsus đã trao nó cho các môn đồ của Ngài khi họ nhận ra đời sống cầu nguyện của họ còn nhiều thiếu sót so với Ngài.
Đối với chúng ta, những lời lẽ ngắn gọnđược ghi lại bởi cả Ma-thi-ơ và Lu-ca là một mỏ vàng của những lẽ thật thuộc linh. Chúa Jêsus trong lời cầu nguyện này hoàn toàn không nhắc đến một thứ “ngôn ngữ cầu nguyện” đặc biệt. Khi các môn đồ của Chúa Jêsus đến với Ngài yêu cầu Ngài dạy họ cầu nguyện, Chúa Jêsus đã không dạy họ cầu nguyện bằng tiếng lạ. Ngài không nói, “bắt đầu lặp đi lặp lại nhiều lần một số lời khen ngợi nào đó.”
Chúa Jêsus đã dạy những người theo Ngài lời cầu nguyện hoàn hảo là như thế nào? Lời dạy của Ngài đưa ra một mô hình đơn giản, ngắn gọn và trực tiếp. Ta thấy rõ ràng từ phân đoạn trong Lu-ca rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta giao tiếp với Ngài bằng những từ ngữ thể hiện rõ nhất cảm xúc của chúng ta: Lời cầu nguyện kiểu mẫu này – Lời cầu nguyện của Chúa – thật rõ ràng và súc tích. Không có những lời lẽ hoa mỹ, những lời lặp đi lặp lại trống rỗng, cũng không có bất kỳ ngôn ngữ khó hiểu nào.
Ta thấy rõ ràng từ lời dạy của Chúa Jêsus rằng Ngài không muốn chúng ta bước vào sự hiện diện của Chúa một cách thiếu suy nghĩ. Bất kỳ lời cầu nguyện nào dựa trên mô hình của Chúa Jêsus sẽ biểu hiện sự tôn kính dành cho Đức Chúa Trời. Nó sẽ công nhận Vương quốc sắp đến của Ngài.
Chúa Jêsus đã dạy chúng ta cách trình bày với Đức Chúa Trời những nhu cầu hàng ngày của chúng ta. Và Ngài làm mẫu cho chúng ta bằng một lời cầu nguyện xin được ban cho sự tha thứ – cả được tha thứ và tha thứ cho người khác. Ngài cũng cho chúng ta thấy rằng chúng ta có đặc quyền yêu cầu sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời
Sau đó, Chúa của chúng ta tiếp nối lời cầu nguyện kiểu mẫu này bằng các nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì trong việc cầu nguyện.
Ngài bảo đảm với chúng ta rằng Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành với những người chờ đợi Ngài, những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được trả lời.
Trong tất cả những điều này, không có gợi ý nào về một ngôn ngữ bí mật, ngôn ngữ của thiên đàng. Chắc chắn, nếu có một cách cầu nguyện tốt hơn là sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta thì Chúa Jêsus đã dạy chúng ta rồi.
Một trong những cuốn sách thú vị nhất về cầu nguyện mà tôi từng đọc được dựa trên tiền đề rằng Chúa muốn chúng ta cầu nguyện bằng ngôn ngữ và phương ngữ riêng của chúng ta. Nó có tiêu đề là “Chúa không phải Người Xa lạ”. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy sách này là tại nhà của biên tập viên truyền giáo ở vùng núi Haiti.
Cuốn sách là một bộ sưu tập những lời cầu nguyện của các Cơ đốc nhân Haiti, được minh họa bằng những bức ảnh đen trắng về đời sống ở Haiti. Những lời cầu nguyện có nhiều màu sắc, đơn giản, ngắn gọn và trực tiếp. Chúng rõ ràng xuất phát từ cuộc sống hàng ngày của những tín đồ tại đó. Chúng chính xác là những lời cầu nguyện mà Chúa Jêsus đã dạy chúng ta cầu nguyện trong Lu-ca 11.
Tôi thường nghe thấy những lời cầu nguyện tương tự ở Ý. Được giải thoát khỏi những lễ nghi tôn giáo rườm rà, các Cơ đốc nhân ở Ý có một đời sống cầu nguyện sảng khoái. Nhận ra rằng họ không cần phải tiếp tục dùng những bài kinh cầu nguyện được học thuộc lòng, họ cầu nguyện ngay từ trái tim mình. Kiểu cầu nguyện đó là kiểu diễn đạt tự nhiên mà Chúa dạy các môn đồ của Ngài.
Đó là kiểu giao tiếp cởi mở, tự do với Đấng Tạo Hóa mà lòng chúng ta mong muốn. Đó cũng là loại mối quan hệ mà Ngài muốn chúng ta có với Ngài.
Nguồn: Howard Culbertson