NẾU luôn trong mấy ngày thân-thể ta không được khỏe-mạnh ; hoặc bị nóng lạnh (sốt), hoặc ngủ không được, hoặc ăn không ngon, thì chắc trong vòng cha mẹ, anh em, hoặc vợ con đều lấy làm lo-sợ mà không hiểu ta đau bệnh gì. Họ bèn vội rước lương-y đến coi mạch cho ta. Đều thư nhứt lương-y làm trong khi coi mạch là biểu ta le lưỡi ra cho người coi. Trên lưỡi ta lúc ấy thật trắng. Bây giờ muốn chùi cái lớp trắng dơ-bẩn đã đóng trên lưỡi ấy đi, thì phải dùng cái nạo lưỡi và một chút nước thuốc riêng; rồi lương-y cho ta uống thuốc sổ. Tại sao cần phải uống thuốc sổ? Tại nơi bao-tử (dạ-dày) ta có bệnh, nên khiến cho lưỡi ta trắng.
Ta thử tự hỏi : Những tiếng dối-trá, tục-tỉu, nguyền-rủa và độc-dữ mà ta thổ ra có khiến cho một lớp dơ-bẩn vô-hình đóng trên lưỡi ta làm nó trở nên gớm-ghiếc không?
Có nhiều lời tuy ra từ miệng ta, song nó có nọc độc như những tên thuốc của người Mọi : họ vót mũi tên cho thật nhọn-bén, ngâm trong thuốc độc; rồi ngồi rình một chỗ đợi dịp bắn ra. Những lời độc-dữ ngấm-ngầm trong bụng chỉ chờ dịp mà phát ra: “Rồi coi, ta sẽ làm cho mầy biết…”
Những lời khác như đá cuội mà con nít thường ném nhau chơi, tưởng không làm hại ai, nhưng tiếng kính bể trên cửa sổ bởi những hòn cuội (sỏi) vô-hình kia văng vào, đã bao phen khiến cho con nít phải kinh-hoàng. Những lời nhẹ như “bay trong gió” mà người ta nói không suy-nghĩ, nhiều khi có sức mạnh đánh trúng vào trái tim đến giết người !
Lại những lời khác như tàn lửa đỏ rớt nhằm bao thuốc súng ! Những lời vô-ý, vu-vơ, không đâu, nhiều khi gây nên cơn giận lôi-đình như trái-phá nổ tan-tành, làm thiệt-hại vô-số, và cũng nhiều khi ăn lan ra rất mau như lửa cháy nhà khô, gây ra những sự tổn-hại không phải nhỏ vậy.
Lại cũng có những lời khác như con sâu trong trái táo. Đó chính là những lời xúc-siểm, sâu-đọc, có cái tánh-chất gậm-nghiến lần-lần, đục hại danh-dự của cả một đời người ta, hoặc tiêu-hủy lần-lần một cuộc giao-hảo đương thân-mật của đôi bạn thiết.
Ấy chỉ bởi một cái lưỡi nhỏ-nhỏ mà gây nên biết bao độc-hại, không đấu nào đong cho xiết được !
Nhưng, thử coi nó lại có thể phát ra biết bao đều tốt : Nào truyền-bá học-thuật bằng lời nói, nào yên-ủi giục-lòng bằng lời nói, khiến người nghe được mát lòng hả dạ, muốn tiến thủ trong công-việc mình. Ấy tức là những lời vàng ngọc rất đáng yêu-chuộng vậy. Nếu có những lời như tuyết giá sương lạnh, khiến kẻ nghe phải rùng mình sởn óc, thảm-não lạnh-lùng, thì cũng có những lời khác gây nên cho kẻ nghe một cảnh đầm-ấm êm-đềm. Nếu có những lời làm cho người khóc, thì cũng có những tiếng khiến cho người cười.
Sự khác nhau ấy bởi đâu?
Ấy chính tại sự hay thay-đổi của lòng ta. Vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra. “Lòng người công-bình suy-nghĩ lời giải đáp ; nhưng miệng kẻ ác buông ra đều dữ.” (Châm-ngôn 15 : 28). “Lời vô-độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay.” (Châm-ngôn 12: 18). Hễ lòng làm sao, thì lưỡi làm vậy.
MẶT ĐEN, LÒNG TRẮNG !
CÓ hai người thổ-cư Nam-phi-châu rất ghen-ghét nhau, thề không đội trời chung. Ngày kia, một trong hai người gặp con gái nhỏ kẻ thù mình trong một khu rừng gần bên nhà kẻ mình ghét. Con gái kẻ thù, tức là kẻ thù; sự ghen-ghét đã nổi lên đầy lòng, tên thổ-cư liền bắt người con gái nhỏ, lấy dao chặt hai ngón tay, rồi thả ra. Cô em đó vừa chạy về, vừa khóc ; bàn tay máu chảy ròng-ròng. Còn tên hung-thủ thì vừa đi vừa la lớn tiếng, vui-cười độc-dữ rằng: “Trả được thù rồi.”
Ngày qua tháng lụn, thấm-thoát mười mấy năm người gái nhỏ kia đã có chồng con. Bữa kia, một tên ăn mày, đầu bạc hoa râm, tới cửa ăn xin. Người đờn-bà nầy liền nhìn ra, té ra là người chặt tay mình ; vội-vàng trở vào nhà, biểu đầy-tớ gái đem sữa bánh ra cho ăn. Khi tên kia ăn đã thật no rồi, người đờn-bà nầy liền giơ bàn tay cụt ra cho coi mà rằng : “Tôi cũng trả được thù rồi.”
Tên ăm mày ngó thấy hai ngón tay cụt, liền thất-kinh ; song không biết rằng người gái nhỏ ấy đã là tín-đồ của Đấng Christ, nên hiểu được ý-nghĩa của câu Kinh-thánh nầy : “Nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn ; có khát, hãy cho uống ; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than-lửa đỏ mà chất trên đầu người. Đừng để đều ác thắng mình, nhưng hãy lấy đều thiện thắng đều ác” (Rô-ma 12 : 20-21).
Khen thay, cô gái mặt đen mà lòng thật trắng ! Cách phục-thù cao-thượng hơn hết, ấy là sự tha-thứ.
-Tín-Ngưỡng trích dịch.