Quan điểm: Yếu tố thứ hai trong Biện giải học là một quan điểm riêng biệt một cấu trúc toàn diện tạo hình cho việc biện hộ. Ở đây, yếu tố quan trọng không phải là kiện tính (factuality), mà là tính cách tiên hậu như nhất mà tất cả các sự kiện họp lại đều sẽ nói lên. Ở đây, Cơ Đốc nhân phải lấy các chân lý được tìm thấy trong Lời mặc khải của Thượng Đế và tìm cách quán triệt các chân lý ấy, thông hiểu chúng một cách nhất quán, toàn diện. Trong niềm tin Cơ Đốc, Phúc âm Cơ Đốc có ý nghĩa trong ánh sáng của bản tánh và mục đích của Thượng Đế mà thôi. Do đó mà một phần quan trọng của công tác biện giáo sẽ là việc thấu triệt các hàm ý của một quan điểm hữu thần nghĩa là một viễn cảnh trong đó Thượng Đế vốn là Đấng Tạo Hóa, bảo tồn và cứu chuộc vũ trụ này. Mọi sự đều phải được nhìn bằng ý chỉ và các chủ đích của Ngài, và việc ý chỉ ấy đã được bộc lộ trong Lời mặc khải.

Chúng ta đang lý luận rằng Cơ Đốc giáo vốn không phải là một hệ thống khép kín của những ý niệm không ai bài bác gì được, như là một viễn cảnh, một cách nhìn thế giới. Theo cái nhìn của Cơ Đốc nhân, thì công cuộc sáng tạo trời đất muôn vật nói lên các chủ đích tốt lành của Thượng Đế; con người vốn là loài thọ tạo độc nhất vô nhị phản ảnh cá tính của chính Thượng Đế và do đó có một giá trị vô hạn; lịch sử kể lại sự tích Thượng Đế đã can thiệp tích cực nhắm vãn hồi trật tự cho mọi sự việc đã bị tánh ích kỷ của con người phá hư. Điều mà nhà biện giáo Cơ Đốc đưa ra vốn không phải là một lời thách thức phải lắng nghe các lý lẻ của chúng ta cho bằng là một lời mời gọi hãy nhìn vào thế giới theo như cách vừa kể trên, để thấy điều mà chúng ta tin là đúng, là thật. Chúng ta nhấn mạnh là hãy đáp ứng lại với mọi sự theo như cách đó; hãy tuân thủ những lời chỉ giáo của Đấng Tạo Hóa thì mọi sự sẽ trở thành có ý nghĩa cho bạn. Như Kinh Thánh chép ” Ngài sẽ ban thêm cho các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33, bản dịch cũ), và “sẽ hiệp lại làm ích” (Rô-ma 8:28, bản dịch cũ). Nếu điều này nghe có vẻ như truyền giảng Phúc âm, hơn là là biện giáo, thì điều đó chỉ đơn giản chứng minh rằng đã có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hai lãnh vực ấy.

Khởi điểm: Điều này dẫn chúng ta đến với yếu tố mà chúng tôi tin phải được giả định trước trong một luận cứ biện giáo: khởi điểm. Tuy có thể tạo nguy cơ là giản dị hóa quá đáng một vấn đề hết sức phức tạp, chúng ta có thể đưa yếu tố này vào bằng cách đặt câu hỏi: Điều mà Biện giải học tìm kiếm trước tiên là đức tin (một sự dấn thân, đáp lại tiếng gọi của Thượng Đế) hay là lý trí (việc thông suốt đức tin – đạo)? Lẽ dĩ nhiên là không thể phân rẽ hai yếu tố này, vì một sự đáp ứng chân thật nào đó đều bao hàm một ít hiểu biết, và ngày nay, chúng ta đã học biết được rằng kiến thức phải bao gồm cả những yếu tố bất hợp lý (non – National) nữa. Nhưng về cơ bản mà nói, thì đã có hai phương pháp Biện giải học: một phương pháp nhấn mạnh là chúng ta phải hiểu rồi mới có thể tin; còn phương pháp kia lại nhấn mạnh rằng chúng ta phải tin rồi mới hiểu được. Có lẽ ở đây, chúng ta cần duyệt xét lại hai phương pháp này cũng không phải là không đúng chỗ vậy.
Số người thuộc nhóm thứ nhất, là số người tìm hiểu rồi mới tin, vốn đã có ngay từ những ngày đầu tiên của lịch sử Cơ Đốc giáo. Justin Martyr là một trong số các đại diện đầu tiên. Ông tin rằng sở dĩ mọi sự đều vốn tốt lành và chân thật, ấy là nhờ sự hiện diện phổ quát của chân lý của Thượng Đế – mà ông gọi là logos – và đều chứng thực cho chân lý của Cơ Đốc giáo. Trong thời Trung cổ, Thomas Aquinas lý luận rằng người ta có thể biết được một vài điều gì đó là đúng, là thật, về Thượng Đế ở ngoài sự mặc khải; rồi hồi thế kỷ thứ mười tám, thì Joseph Butler cũng tin rằng các nguyên tắc luân lý đạo đức vốn là trực giác hiển nhiên đối với tất cả những ai biết suy nghĩ. Những người Mỹ quan trọng nhất đã giải thích quan điểm này thuộc về cái gọi là trường phái thần học Princeton. William Breaton Greene và B.B.Warfielf có thể được cho là đại diện của trường phái này. Cả hai đều dạy rằng vai trò của Biện giải học như là một chi nhánh của thần học được thiết lập trên các định lý (presuppositions) của thần học hệ thống: sự hiện hữu của Thượng Đế, bản tính tân giáo của con người, và chân lý của sự mặc khải lịch sử của Kinh điển. Greene dạy rằng ý niệm về Kinh Thánh là Lời của Thượng Đế vốn được đặt cơ sở trên việc chính lý trí phải được thừa nhận là có giá trị. Lý trí là một tài năng nhận thức mà trong phạm vi riêng của nó, phải có nó thì người ta mới biết đối chiếu và phán đoán; nó là nguồn gốc và là cơ sở của chân lý tôn giáo.

Lẽ tất nhiên là cả Greene lẫn Warfield đều không bảo rằng lý trí là vô ngộ, mà chỉ nói rằng trước khi sự mặc khải đến, thì lý trí là phương pháp duy nhất mà chúng ta có để tra vấn chân lý. Quan điểm của họ là nếu chúng ta không thể đặt nền móng cho đức tin Cơ Đốc trên các cơ sở hữu lý, nếu chúng ta không thể chứng minh việc có thể có các phép lạ hay chứng thực được sự hiện hữu của một Đấng Cai Trị khôn ngoan và có quyền năng thần hựu, tức là chúng ta chỉ có một đức tin (đạo) vô căn cứ, thiếu nền móng. Các vấn đề này phải có thể được giải quyết trên bình diện tranh luận công khai. Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng lý trí có thể phát giác ra các chân lý của sự mặc khải, nhưng là bảo rằng nó phải có khả năng nhận ra chúng. Một người có thể bị bệnh quá nặng không thể tìm ra thứ thuốc mình cần có để chữa bệnh cho mình, nhưng không thể không nhận ra và bảo cho người khác biết mình đang cần gì. Đức tin (đạo) mà không đưa ra được chứng cứ hiển nhiên là bất hợp lý, vì đức tin bao hàm sự đồng ý mà sự đồng ý là lòng tin quyết do chứng cứ hiển nhiên tạo ra. Như thế, Biện giải học phải thiết lập các chân lý căn bản được giả định trước là có, để tạo ra nền thần học hệ thống.
Warfield thì tin rằng Đức Thánh Linh rất cần thiết để tạo ra đức tin cứu rỗi, nhưng lý trí có thể tạo nền móng cho một đức tin như thế. Như ông nói “Hoàn toàn nằm ngoài phần tác động của Đức Thánh Linh để tạo ra đức tin để được cứu rỗi, luận cứ hợp lý là nền móng của việc thực thi đức tin (hành đạo)” (tr.115). Sau đó, sự đồng ý mà Đức Thánh Linh tạo ra không khác nhau về chủng loại mà chỉ khác nhau về mức độ với điều vốn có thể có ngoài Đức Thánh Linh. Việc Đức Thánh Linh làm, là biến sự đồng ý thành đức tin mà hệ quả là lòng tin cậy đầy vui mừng và yêu thương của một người đã được tái sanh. Warfield tin rằng Cơ Đốc giáo “đã được đưa vào trong thế gian để hợp lý hóa phương pháp khiến nó thống trị thế gian. Và chính là nhờ phương pháp lý luận của nó, mà nó chiếm được vương quyền” (tr.120).
Hãy còn rất nhiều điều có thể nói về quan điểm này. Con người là những hữu thể có lý trí và phải đưa ra các lý do tại sao mình lại tin một điều gì đó là đúng, là thật. Ngay cả lý luận trong một dạng thức nào đó phải đến trước, người ta vẫn băng khoăn tự hỏi – không biết có phải yếu tố quan trọng trong biện giải học không phải là sự dấn thân mà là lý trí, hoặc trên thực tế có lý luận nào có thể xuất hiện ngoài sự dấn thân đức tin không? Nhóm thứ hai, những người tin để hiểu, đã trả lời cho những câu hỏi này.