Các yếu tố của Biện giải học.
Bối cảnh: Yếu tố đầu tiên trong bất kỳ một lời biện hộ nào cho Cơ Đốc giáo là bối cảnh trong đó kẻ thách thức đang sống. Một người bạn của tôi mới đây có kể lại với tôi một từng trải của anh khi dạy môn Biện giải học bên Phi châu. Anh đã dành nhiều tiết học cho các luận cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế, và sau buổi học, có một sinh viên đến gặp anh. Sau khi ngập ngừng và rào đón, cuối cùng người sinh viên cũng đủ can đảm để nói rằng “Ở đây chẳng hề có ai thật sự cần biết các luận cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế cả. Ở đây, có rất ít người nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng Đế; thật ra họ tin vào nhiều vị thần. Vấn đề là chúng ta phải vâng lời vị thần nào?” Vị giáo sư này đã học được một bài học đích đáng về tầm quan trọng của bối cảnh. Mọi hoàn cảnh, mọi nền văn hóa, và lẽ tất nhiên là tất cả mọi người nữa, đều có một số các nhu cầu mặc nhiên mà Phúc âm nhằm thỏa mãn. Chúng tôi tin rằng cái thần tính của Cơ Đốc giáo, là nó thích hợp cho mọi nhu cầu của con người. Nhiệm vụ của chúng ta là phải sống gần gũi với con người để biết các nhu cầu ấy ở đâu, để nghe những thắc mắc mà có thể là họ không thể nói ra, rồi bôi dầu êm mát của Phúc âm đúng vào chỗ đang có cần đó.
Trong lúc dạy học tại Phi-luật-tân, tôi cũng có một từng trải tương tự như anh bạn tôi bên Phi châu. Mỗi lần dạy Biện giải học, tôi đều băt đầu giờ giảng bài bằng cách thăm dò xem cả lớp tin rằng những thách thức nào là quan trọng nhất đối với Cơ Đốc giáo. Điều lý thú là chỗ khác nhau không phải chí giữa các sinh viên ở đây với các sinh viên bên Tây phương mà còn cả giữa năm này với năm sau. Gần đây nhất, vấn đề quan trọng được cảm nhận là tính cách không hợp thời và bất năng bất lực của Hội thánh. Vấn đề này chưa từng xuất hiện trong những lần thăm dò trước đây. Điều gì đã xảy ra, khiến nảy sinh vấn đề này? Cho dầu nó có là gì chăng nữa, thì nó nhấn mạnh nhu cầu là Biện giải học phải đáp ứng cho bối cảnh ấy. Các Cơ Đốc nhân phải thận trọng đừng trả lời cho những câu hỏi mà chẳng hề có ai đặt ra cả.
Sau này, chúng ta sẽ thảo luận các dữ kiện lịch sử cho thấy Cơ Đốc giáo là thật, là đúng, là chánh đạo. Nhưng ngay tại đây, chúng ta phải chọn chứng cứ hiển nhiên nào là phù hợp nhất cho bối cảnh văn hóa của chúng ta. Tại các nước phương Tây, các luận đề trừu tượng trong Kinh Thánh có khuynh hướng được chú ý: sự thánh khiết hay sự công chính của Thượng Đế hoặc có lẽ là quyền vô sở bất năng của Ngài. Nhưng tại các quốc gia không phải là Tây phương, thì các chứng cứ trong Kinh điển về quyền phép của Thượng Đế thường gây ấn tượng nhiều hơn. Tôi còn được nghe cả một trường hợp nhiều độc giả Phi châu lại chú ý tới các bảng gia phả của Cựu ước chắc họ nhận thấy đó chính là chứng cứ hiển nhiên cho tính cách chân thực của Cơ Đốc giáo! Cơ Đốc giáo vốn được xạy dựng trên các sự kiện những sự kiện bất biến mặc dầu người giải nghĩa nó cứ thay đổi luôn. Nhưng những sự kiện nào có thể được xem là chứng cứ hiển nhiên, thì còn tuỳ thuộc hoàn cảnh mà các độc giả sinh sống nữa.