Từ ngữ Biện giải học (Apologetics) ra đời từ tòa án cổ Hi-lạp, nơi các bị cáo được dành cho cái quyền trả lời hay “phản bác” lời người ta tố cáo họ. Tác phẩm Apology của Plato đưa ra cách phát biểu cổ điển để tự bảo vệ bằng lời nói ấy. Một Sacrates cao tuổi bị tố cáo là phá hoại tinh thần luân lý đạo đức của giới thanh niên Athen đã đứng trước dân chúng của thành phố mình để trả lời cho lời buộc tội ấy. Ông đã phân trần với họ rằng “Đừng bận tâm đến kiểu cách bên ngoài, có thể là “tốt hay không tốt, mà chỉ nên nghĩ đến sư thật (chân lý) của những lời tôi nói và lưu ý rằng: người phát ngôn thì phải nói cho đúng, cho thật, còn vị quan tòa thì phải xét xử cho công bằng” (tr.60). Có lẽ Phi-e-rơ cũng nghĩ về một phương pháp tự bào chữa như vậy khi ông khuyến giục các Cơ Đốc nhân “Nếu có ai hỏi ‘Tại sao anh em tin Chúa?’ Hãy sẵn sàng trả lời họ cách hòa nhã, lễ độ, và rành mạch” (IPhi 3:15).
Nhu cầu bảo vệ cho Cơ Đốc giáo chống lại những kẻ tố cáo nó hiện nay cũng quan trọng như bất luận thời kỳ nào trong lịch sử. Từ mọi phía, người ta đều nghe những lời than phiền về Cơ Đốc giáo đã bị phàm tục hóa, và những câu chuyện kể lại các thành công lớn lao của các lối thờ cúng và các đạo mới. Những nguy cơ như thế tiếp tục khiến cho Biện giải học trở thành cần thiết. Nhưng chúng ta phải cẩn thận nhìn các sự việc cho đúng với viễn cảnh của chúng. Theo một ý nghĩa, thì việc chú trọng đến Biện giải học ngày nay vốn là hệ quả của các yếu tố có tính cách lịch sử và văn hóa, nhiều hơn là những yếu tố có tính cách tôn giáo hoặc triết học. Trong chương trình học tập của một chủng viện thời trung cổ (hay tương đương với nó), trong khi có rất nhiều phần trình bày và lý luận vững chắc về Cơ Đốc giáo, Biện giải học theo như chúng ta biết đã không hề có một vai trò chủ yếu. Đại đa số dân chúng đã không hề nghĩ đến việc phải bênh vực cho đạo của mình chỉ vì lý do đơn giản là họ không hề nghĩ đến việc nghi ngờ đạo ấy. Nhưng trong nhiều nền văn hóa mà Hội thánh đã bị mất quyền kiểm soát, các Cơ Đốc nhân đã bị đặt vào thế phải tự vệ và bị bắt buộc phải trả lời lại những kẻ tố cáo mình.
Nhiều khi Cơ Đốc nhân vốn rất sẵn sàng đối với vai trò này, vì cảm thấy mình đã được chuẩn bị rất đầy đủ để trả lời một cách thông thái những điều người ta chống lại đạo của mình. Nhưng sự thật là việc phải tự vệ, tự biện hộ, bào chữa, vốn không phải là chỉ một mình trong Cơ Đốc giáo mới có; tất cả những ai chủ trương một loạt các tín ngưỡng về cuộc đời và về cái thế giới này, đều bị đòi hỏi một cách hợp pháp, hợp lý, là phải tự vệ, từ bào chữa. Phần lớn các vấn đề mà Cơ Đốc giáo bị đòi hỏi phải đối đầu không phải là độc nhất vô nhị cho Cơ Đốc giáo mà thôi, mà đúng hơn, đều vốn là hệ quả của việc chúng ta vốn là những con người. Là con người, chúng ta phải tư duy và suy luận, chúng ta phải hành động, chúng ta phải dấn thân vào một hành ộng diễn tiến nào đó. Do đó, chúng ta phải có khả năng bảo vệ cho những dấn thân của mình. Các Cơ Đốc nhân tin rằng Thượng Đế đã tự mặc khải, tự bày tỏ mình ra trong lịch sử loài người và bắt đầu một chương trình mà mọi người phải đáp ứng lại, nhưng niềm tin ấy không hề loại trừ việc các Cơ Đốc nhân phải tự biện bạch như tất cả mọi người khác. Họ phải thông suốt đạo của mình, tin quyết vào chân lý của nó, đặt nó cho “ăn khớp” với tất cả các từng trải về thế giới của mình rồi diễn tả cái thực tại đó bằng hành động có trách nhiệm và việc giao lưu tiếp xúc (với người khác) một cách thông minh.
Nếu những gì chúng ta đang nói là đúng, thì môn biện giáo toàn hảo nhất không phải là cái tinh thần tự vệ, chỉ khoanh tay ngồi đó chờ cho thiên hạ tấn công mình, nhưng là một sự bộc lộ tích cực những gì chúng ta tin là thật về Thượng Đế, con người và thế giới. Tôi tin rằng lòng can đảm để chủ động đi bước trước là thước đo cho sinh lực của đức tin (đạo) chúng ta. Đặc điểm của các nhà truyền giảng Phúc âm phải là hướng tới việc truyền giảng không gì ngăn chận nổi, và khoa biện giải phải tham dự vào thái độ hăng say nhiệt thành đó của nhà truyền giáo. G.C.Berkouwer từng bảo rằng biện giải học phải được xem “không phải như một phong trào tự vệ, nhưng là việc làm chứng dũng cảm đầy phiêu lưu mạo hiểm cho chân lý (đạo thật) bằng sức lực của đức tin Cơ Đốc nhân” (tr.26).
Vậy một nhà biện giải tích cực sẽ không chờ đối phó với từng thách thức, mà sẽ dành thì giờ để chuẩn bị quan điểm biện giáo của mình hầu sẵn sàng đối phó với mọi thách thức. Có một câu châm ngôn dạy rằng cho một người một con cá, người ấy sẽ có lương thực đủ ăn co một ngày; dạy cho anh ta cách bắt (câu, lưới) cá, anh ta sẽ có đủ lương thực để ăn suốt đời. Trong Biện giải học cũng vậy, điều vô cùng quan trọng hơn là phải xây dựng cả một cơ cấu nhờ đó người ta sẽ giải quyết được mọi phản bác, chớ không phải là chỉ trả lời cho một số lớn các câu hỏi mà thôi. Những thách đố mà Cơ Đốc giáo phải đương đầu thay đổi rất nhanh chóng, và lệ thuộc vào các hoàn cảnh luôn luôn đổi thay; cho nên thật không tài nào thấy trước được những vấn đề đặc thù mà một ngày nào đó chúng ta sẽ bị đòi hỏi phải giải quyết. Phương pháp của chúng tôi trong quyển sách này sẽ là – ở phần một, khai triển một viễn cảnh Biện giải học để từ đó khảo sát nhiều loại chiến thuật phòng ngự khác nhau. Trong phần hai, chúng ta sẽ tìm cách ứng dụng phần cấu trúc toàn diện đó vào một số những thách thức quan trọng. Mục đích của chúng tôi là khai triển một chiến lược biện giáo toàn diện.
Chúng tôi sẽ thảo luận vắn tắt các yếu tố của Biện giải học, sẽ được khai triển đầy đủ hơn trong chương ba, sau đó sẽ giải quyết một số vấn đề lớn, kết hợp với phần luận cứ biện giáo.