Khi Chúa thở dài
Hai ngày trước tôi đã đọc một từ trong Kinh Thánh và từ đó cứ ở trong lòng tôi.
Thật lòng là tôi gần như không biết phải làm gì với nó. Nó không chỉ là từ, và cũng không phải là một từ dài dòng. Khi tôi lướt ngang từ đó (thì thật ra đây là chính xác những gì đã xảy ra; tôi đọc qua phân đoạn đó và từ này xuất hiện và bất ngờ thu hút sự chú ý của tôi) Tôi đã không biết phải làm gì. Tôi không thể treo nó lên hay là xếp nó vào một thể loại nào.
Đó là một từ khó hiểu trong một đoạn văn bí ẩn. Nhưng bây giờ, bốn mươi tám giờ sau, tôi đã tìm thấy một nơi dành cho nó, một nơi của riêng nó. Ôi, thật là một từ đặc biệt. Đừng đọc nó trừ khi bạn không ngại thay đổi suy nghĩ của mình, bởi vì từ nhỏ này có thể điều chỉnh đời sống thuộc linh của bạn.
Hãy xem phân đoạn này với tôi.
Đức Chúa Jêsus lìa bờ cõi thành Ty-rơ, qua thành Si-đôn và trải địa phận Đê-ca-bô-lơ, đến biển Ga-li-lê. Người ta đem một người điếc và ngọng đến cùng Ngài, xin Ngài đặt tay trên người.
Ngài đem riêng người ra, cách xa đám đông, rồi để ngón tay vào lỗ tai người, và thấm nước miếng xức lưỡi người. Đoạn Ngài ngửa mặt lên trời, thở ra mà phán cùng người rằng: Ép-pha-ta! nghĩa là: Hãy mở ra! Tức thì tai được mở ra, lưỡi được thong thả, người nói rõ ràng. Đức Chúa Jêsus cấm chúng chớ nói điều đó cùng ai; song Ngài càng cấm người ta lại càng nói đến nữa. Chúng lại lấy làm lạ quá đỗi mà rằng: Ngài làm mọi việc được tốt lành: khiến kẻ điếc nghe, kẻ câm nói vậy! (Mác 7:31-35)
Phân đoạn này thế nào?
Chúa Giê-xu được giới thiệu cho một người đàn ông bị điếc và bị rối loạn ngôn ngữ. Có lẽ anh ta lắp bắp. Hoặc có lẽ anh ta nói ngọng. Và có lẽ cũng vì bị điếc, anh ta không bao giờ học cách nói rõ ràng.
Chúa Giê-xu, Ngài không tận dụng hoàn cảnh này, và đã đưa người đàn ông đi riêng ra. Chúa nhìn thẳng vào mặt anh ta. Biết rằng người đàn ông không nghe được, nên Ngài giải thích những gì Ngài sắp làm thông qua cử chỉ. Chúa lấy nước miếng và chạm vào lưỡi của người này, Ngài nói với anh ta rằng bất cứ điều gì làm anh ta không nói được sắp bị xóa sổ. Ngài chạm vào tai anh ta. Lần đầu tiên anh ta nghe được.
Nhưng trước khi người đàn ông nói được hay là nghe được, Chúa Giê-xu đã làm một chuyện mà tôi không đoán trước được.
Ngài đã thở dài.
Tôi có lẽ đã mong chờ một cái vỗ tay, hoặc một bài hát hoặc một lời cầu nguyện nào đó. Thậm chí là nói “Ha-lê-lu-gia” hay là một bài học ngắn gọn phù hợp với hoàn cảnh. Nhưng con của Đức Chúa Trời đã không làm những điều đó. Thay vào đó, Ngài dừng lại, nhìn lên trời, và thở ra. Từ tận sâu bên trong Ngài đã xuất hiện những cảm xúc dồn dập có ý nghĩa hơn bao lời nói.
Thở dài. Từ này dường như không đúng ở đây.
Tôi không bao giờ nghĩ Đức Chúa Trời cũng giống như con người biết thở dài. Tôi chỉ nghĩ Đức Chúa Trời là Đấng ra lệnh. Tôi nghĩ về Chúa như là một Đấng đã khóc. Chúa như là một Đấng phán người chết sống lại hoặc tạo ra vũ trụ này chỉ bằng một lời… nhưng một Đức Chúa Trời lại thở dài?
Có lẽ cụm từ này lọt vào mắt tôi vì chính tôi cũng thở dài.
Tôi đã thở dài khi hôm qua tôi đến thăm một người nữ có người chồng nhiều bệnh tật và tình hình bệnh đã trở nên tệ hơn rất nhiều và anh ta không nhận ra tôi. Anh ta nghĩ tôi đang cố gắng bán cái gì đó cho anh ta.
Tôi thở dài khi thấy một bé gái sáu tuổi, mặt mày bị bẩn, quần áo rách rưới, ở trong tiệm tạp hóa hỏi xin tôi tiền.
Và tôi thở dài khi hôm nay nghe được chuyện một người chồng bảo vợ của anh ta sẽ không tha thứ cho anh ta.
Bạn hẳn cũng từng thở dài như vậy.
Nếu bạn có những đứa con vị thành niên, bạn cũng sẽ thở dài như vậy. Nếu bạn cố gắng chống lại cám dỗ, bạn có thể cũng thở dài. Nếu như người ta nghi ngờ động cơ của bạn hoặc những hành động yêu thương của bạn bị từ chối, bạn buộc phải hít một hơi thật sâu và buông một tiếng thở dài đau đớn.
Tôi nhận ra rằng có những tiếng thở dài để làm khuây khỏa sự buồn rầu, có những tiếng thở dài mong chờ một điều gì đó, thậm chí có tiếng thở dài của niềm vui.
Nhưng đó không phải là tiếng thở dài được miêu tả trong sách Mac 7. Tiếng thở dài khi đó được miêu tả như là sự kết hợp giữa nỗi thất vọng và buồn bã. Nó dường như pha trộn giữa cơn giận dữ và những giọt nước mắt.
Sứ đồ Phao-lô cũng nói về sự thở than này. Hai lần ông lặp lại rằng cơ đốc nhân sẽ thở than khi còn ở trên đất này và trông mong về nước thiên đàng. Muôn vật thở than như người nữ đang sinh con. Thậm chí là Đức Thánh Linh cũng thở than mà cầu khẩn thay cho chúng ta. (Rô-ma 8:22-27)
Tất cả những tiếng thở than này đều đến từ cùng một nỗi lo lắng; từ sự thừa nhận nỗi đau không mong muốn hoặc hy vọng bị trì hoãn.
Con người dựng nên không phải để chia cắt với Đấng tạo hóa; vì vậy họ thở than và mong muốn được quay trở về nhà. Mọi tạo vật vốn không được định sẵn cho sự trú ngụ của điều ác; vì vậy muôn vật cũng thở than, khao khát trở về thiên đàng.
Mối tương giao với Đức Chúa trời không bao giời có ý định phụ thuộc vào một dịch giả, vì vậy Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta, trông chờ một ngày nào đó con người chúng ta có thể gặp Chúa mặt đối mặt.
Và khi Chúa Giê-xu nhìn vào mắt của những người từng là nạn nhân của Sa-tan, một điều phù hợp nên làm duy nhất chính là thở dài. “Sự việc vốn không phải được định sẵn như thế này,” tiếng thở dài nói. “Tai của con đúng ra không bị điếc, lưỡi của con không bị nói vấp.” Sự mất cân bằng của tất cả đã khiến Chúa đau lòng.
Vì vậy tôi tìm thấy một nơi dành cho từ này. Bạn có thể nghĩ nó lạ, nhưng tôi đặt nó bên cạnh từ “yên ủi”, vì theo một cách gián tiếp thì nỗi đau của Chúa chính là sự yên ủi của chúng ta.
Trong nỗi đau của Chúa Giê-xu có niềm hy vọng cho chúng ta. Nếu Ngài không thở than, nếu Ngài đã không cảm nhận được gánh nặng khi mọi sự không diễn ra như vốn được dự định, thì hoàn cảnh của chúng ta mới thật là đáng thương làm sao. Nếu như Ngài chỉ xem như mọi chuyện là không thể tránh khỏi hoặc rửa tay trước mớ hỗn độn hôi hám nơi trần gian, thì còn có hi vọng nào dành cho chúng ta?
Nhưng Ngài đã không làm vậy, Tiếng thở dài thánh, đã đảm bảo với chúng ta rằng Đức Chúa Trời vẫn đang than khóc cho con dân của Ngài. Chúa than khóc cho đến ngày tất cả mọi sự thở than đều kết thúc, khi mà tất cả mọi sự diễn ra như vốn được dự định.
Từ God Came Near: Chronicles of Christ, Max Lucado